Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội đề xuất hỗ trợ mạnh hơn cho doanh nghiệp

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhetedothi - Kinhtedothi - “Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, rất cần các gói hỗ trợ không phải dạng “hà hơi, thổi ngạt” như vừa qua, không phải chỉ để DN không bị chết, không phải chỉ để người dân không thiếu đói mà phải có các gói hỗ trợ để tạo ra những bứt phá của DN” - Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh tại phiên họp tổ.

Chiều 22/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội làm việc tại tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
 Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội họp tại tổ
Kết quả đạt được 6 tháng rất khả quan

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhận xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội rất kỹ, đánh giá toàn diện, khách quan. 6 tháng qua, chúng ta gặp phải 2 đợt dịch và đều rơi vào 2 cao điểm kinh tế. Đợt 1 là Tết nguyên đán, là cao điểm tiêu dùng, du lịch; đợt dịch lần thứ hai rơi vào những vùng trọng điểm như các khu công nghiệp, các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh - những nơi rất nhạy cảm về kinh tế.

Tuy vậy, kết quả đạt được 6 tháng rất khả quan, GDP 5,64%, CPI 1,47%, thu ngân sách 58,3%. Đây là 3 con số rất ấn tượng. GDP 5,64% không phải là cao so với mục tiêu đặt ra, tuy nhiên chúng ta cũng nhìn thấy rằng mặc dù có ảnh hưởng rất lớn của dịch nhưng kinh tế vẫn đang đà đi lên.

“Nếu chúng ta có biện pháp tập trung cho khống chế dịch tốt, không để dịch lây lan trầm trọng hơn, tôi kỳ vọng rằng đà tăng trưởng kinh tế như vừa qua chúng ta sẽ giữ được. Vì vậy, tôi rất đồng tình với Chính phủ tập trung cao độ vào việc phòng, chống dịch” - đại biểu nêu quan điểm.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, thu ngân sách đạt 58,3%, đây là con số rất tốt để chúng ta có dư địa hơn nữa cho việc thực hiện các chính sách về tài khoá. Cộng thêm CPI thấp như vậy, có lẽ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các công cụ về tài chính, tài khóa. Trong đó, cần giảm hơn nữa lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Tôi rất đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nói rằng, nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ bị lỡ nhịp với kinh tế thế giới. Hiện kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi rất nhanh. Mỹ quý I tăng 6,4%, Trung Quốc quý I tăng đến 13%, quý II tăng 8,1%, Singapore quý II tăng 10%... Nếu chúng ta không đẩy nhanh phục hồi DN thì tôi nghĩ nguy cơ chúng ta lỡ nhịp với kinh tế thế giới là hiện hữu.
 Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội)

Trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, rất cần các gói hỗ trợ không phải dạng “hà hơi, thổi ngạt” như vừa qua, không phải chỉ để DN không bị chết, không phải chỉ để người dân không thiếu đói mà phải có các gói hỗ trợ để tạo ra những bứt phá của DN. Trong bối cảnh hiện nay, nếu các DN có được nguồn lực tốt thì thậm chí chúng ta có cơ hội để thâu tóm, thay thế các xu hướng đang bị đứt gãy. Chúng ta có thể mua lại các dây chuyền, mua lại những công nghệ của nước ngoài về để thay thế.

Kiên trì “mục tiêu kép” là lựa chọn đúng đắn

Đại biểu Đôn Tuấn Phong (tỉnh An Giang) đồng tình với các báo cáo cho rằng bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng qua là tích cực với tăng trưởng kinh tế 5,64%. Kiên trì “mục tiêu kép” là lựa chọn đúng đắn trong bối cảnh của chính chúng ta. Tuy nhiên, thách thức với những tháng cuối năm là rất lớn.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Chính phủ phải đối mặt khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện và diễn biến ngày càng phức tạp. Chính phủ đã rất nỗ lực, đặc biệt, Thủ tướng lăn lộn, xông xáo và không rời bỏ mục tiêu phát triển kinh tế mà giữ quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”.

“Kết quả đạt được thời gian qua như đạt các mục tiêu, trong đó thu ngân sách tăng 16% so với cùng kỳ, thể hiện nỗ lực cao của Chính phủ. Nhiều tổ chức quốc tế lớn đánh giá tích cực về Việt Nam. Kết quả đó vừa là sự tích luỹ từ năm ngoái nhưng vừa khẳng định được năng lực của Chính phủ khoá mới sau kiện toà” - đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội (Đoàn TP Hải Phòng) đánh giá, tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay cao hơn năm 2020, động lực tăng trưởng chính là nông lâm nghiệp thủy sản, chế biến chế tạo, kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt… Ngành nông nghiệp tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn chưa có dịch, phải chăng nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế?

Ví dụ tại Hà Nội, với khẩu hiệu “góp gió thành bão”, Hà Nội cho thống kê lại diện tích đất nông nghiệp, dự trù tình hình phức tạp nhất, gạo tự túc được nhưng các nguồn cung khác đều phụ thuộc các tỉnh, nếu phong tỏa là rất khó khăn. Do đó, chúng ta phải tập trung rà soát, có kế sách cho nông nghiệp, phòng ngừa câu chuyện lao động mất việc làm.