Đại biểu Quốc hội đề xuất hướng quy hoạch báo chí theo vùng

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa đề xuất, chúng ta có thể cân nhắc phát triển theo hướng sáp nhập các đài truyền hình theo vùng. Như vậy sẽ bớt chi phí, tăng tính liên kết, mở rộng hơn so với việc khiên cưỡng sáp nhập báo với đài tỉnh.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 7/1, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Góp ý về quy hoạch lĩnh vực báo chí, thông tin, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (ĐBQH tỉnh Phú Yên) đánh giá cao Chính phủ xác định truyền thông chính sách là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, bộ ngành, không phải là nhiệm vụ của riêng mỗi các cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn con số 20% các cơ quan báo chí điện tử được đầu tư, còn 80% các cơ quan báo chí còn lại thì sao, có quan trọng hay không? Điều này dẫn đến việc đầu tư liệu có hiệu quả? Theo đại biểu, bên cạnh việc đầu tư vào các cơ quan báo chí với cơ chế đặt hàng các tác phẩm chất lượng cao. Đây là việc cần phải quan tâm đầu tư hơn vì thực sự nguồn lực đầu tư không quá lớn.

Liên quan đến lĩnh vực báo chí, đại biểu nêu hiện nay chúng ta đang khuyến khích sáp nhập, tổ chức lại các cơ quan báo chí của các tỉnh, bộ, ngành theo hướng đa phương tiện. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa có quan điểm khác với hướng đi này. Đại biểu phân tích: “Chúng ta đã có quy hoạch báo chí đến năm 2025, đến nay, một số đơn vị như Quảng Ninh đã sáp nhập Trung tâm truyền thông; Bình Phước sáp nhập báo với Đài truyền hình. Chúng ta cần có đánh giá tác động của việc sáp nhập này trước khi có những định hướng lớn tiếp theo về sự phát triển của báo chí”.

Đại biểu Nghĩa nói thêm, về việc sáp nhập các cơ quan báo chí, trước hết việc xây dựng đã tốn kém hàng trăm tỉ đồng để theo cơ quan báo chí đa phương tiện. “Quảng Ninh có thể đã làm tốt nhưng chưa chắc các địa phương khác đã làm tốt như vậy”.

“Theo tôi, nên mạnh dạn nghĩ theo hướng, chúng ta có thể cân nhắc phát triển theo hướng sáp nhập các đài truyền hình theo vùng. Vì hiện nay chúng ta đang phát triển kinh tế theo vùng, quy hoạch theo vùng thì việc bớt chi phí từ hàng chục đến hàng trăm tỷ cho một đài địa phương, tính liên kết, mở rộng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc khiên cưỡng sáp nhập báo với đài tỉnh. Bởi, có vẻ chúng ta bớt được đầu mối nhưng thật ra không bớt được gì cả vì cán bộ vẫn vậy, hiệu quả hoạt động lại khó khăn hơn” - đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phân tích.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại hội trường. 
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại hội trường. 

Về trang thông tin điện tử, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa rất hoan nghênh đề án này Chính phủ đề xuất nên tích hợp mạng xã hội và trang thông tin điện tử vào cùng một giấy phép. Như vậy rất hiệu quả.

Hiện nay chúng ta đang yêu cầu mạng xã hội riêng, trang thông tin điện tử riêng dẫn đến mạng xã hội được phép bình luận nhưng không được phép đưa các thông tin lên, trong khi trang thông tin điện tử được phép đưa thông tin lên nhưng không được phép bình luận. Chúng ta tự hạn chế tác động xã hội của chúng ta trong khi các mạng xã hội nước ngoài không bị chế tài này.

Nói về việc các cơ quan báo chí đóng phần bình luận dưới các bài viết vì sợ không quản lý được, làm hạn chế tính cạnh tranh thông tin tích cực trên mạng xã hội, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa ví von việc này giống như “chạy grab mà vẫn com lê, cà vạt rất vướng víu”.

“Tôi nghĩ đã lên mạng xã hội thì chúng ta phải có những phương thức linh hoạt hơn” - đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) thảo luận tại hội trường.

Trước đó, thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đã nêu rằng: Đối với định hướng phát triển các cơ sở báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, bản Quy hoạch đã xác định rõ ràng, chính xác và khoa học mục tiêu tổ chức sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản in.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt những định hướng đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị không nên chỉ là khuyến khích tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành trung ương, mà cần bỏ từ khuyến khích mà phải yêu cầu làm như vậy. Bởi, nếu chỉ dừng lại khuyến khích thì tính hiệu lực và hiệu quả chưa cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần