Qua giám sát thực tế, từ tình trạng thừa thiếu giáo viên nhưng không điều phối được chỗ thừa sang chỗ thiếu, theo ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam), nguyên nhân do tuyển dụng chủ trì là ngành nội vụ, còn ngành giáo dục chỉ phối hợp. Chính vì vậy, nên có việc nhiều giáo viên có hợp đồng dài hạn, chất lượng tốt nhưng không được tuyển dụng, cho nên cần xem xét lại quản lý Nhà nước về vấn đề này.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Một số ĐB lại lo ngại việc vẫn duy trì quy định giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ ngoại ngữ khiến nhiều giáo viên phải khổ sở để "chạy" lo việc này. Góp ý thêm về vấn đề này, các ĐB cho rằng, thực tế hiện nay một số trường muốn tuyển giáo viên nhưng không được. Cấp THPT do sở giáo dục, sở nội vụ các tỉnh, thành tuyển, cấp THCS, tiểu học do phòng giáo dục, nội vụ các quận, huyện, thị xã tuyển, người muốn dạy ở trường này thì không được, trong khi người không muốn lại phải vào. Do đó, nên giao quyền chủ động tuyển dụng giáo viên cho các trường, dưới sự hướng dẫn của những quy định, quy trình chặt chẽ.
“Ngành Nội vụ chỉ giao chỉ tiêu còn con người thế nào phải do ngành giáo dục chủ động tuyển dụng và có thể điều chuyển được giáo viên vì năm nay trường này có thể thiếu giáo viên nhưng năm sau lại thừa do nhu cầu học. Chúng ta không lo ngại vượt chỉ tiêu biên chế khi giao cho ngành giáo dục chủ trì việc này bởi tổng biên chế sẽ do ngành Nội vụ tham mưu cho Chính phủ hoặc UBND tỉnh, huyện. Chẳng hạn, tổng biên chế giao cho ngành giáo dục là bao nhiêu sẽ thuộc ngành Nội vụ quản lý, còn tuyển như thế nào và sử dụng như thế nào thì giao cho ngành giáo dục, không được tuyển thừa, vượt chỉ tiêu biên chế được giao”- ĐB Phan Thái Bình nêu quan điểm.
Một số ý kiến cũng đề cập đến tình trạng dạy thêm học thêm và đề nghị cần đưa quy định này vào luật gắn với vấn đề đạo đức nhà giáo. Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, trong các hành vi giáo viên không được làm, chỉ quy định cấm ép học sinh học để thu tiền, còn không quy định việc dạy thêm. Điều đó đặt ra vấn đề: Nếu đã thực hiện đủ chương trình giáo dục vậy có cần dạy thêm và học thêm hay không? Trong khi trước đây chúng ta chỉ dạy thêm cho học sinh yếu không theo kịp chương trình và học sinh giỏi để chuẩn bị đi thi.
“Nên có hành lang pháp lý để điều chỉnh việc dạy thêm, vì học sinh đi học trên lớp không được giảng dạy đủ kiến thức nên nhiều khi nội dung bài dạy trên lớp được mang vào các buổi dạy thêm. Nó chính là vấn đề liên quan đến đạo đức của nhà giáo, chưa kể việc quản lý dạy thêm như thế nào” - ĐB nêu.
Một số vấn đề khác trong Dự Luật cũng được các ĐB đưa ra thảo luận như hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở liên thông, chế độ chính sách và trách nhiệm của nhà giáo và người học, vấn đề tự chủ cho các trường… cũng được các ĐB cho ý kiến.