Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ Đại biểu Quốc hội Hà Nội về luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) |
Đại biểu Đào Tú Hoa bày tỏ đồng tình với phương án 2 mà Chính phủ trình Quốc hội đối với việc kiểm soát tài sản thu nhập. Theo đại biểu, quy định như vậy phù hợp với cách thức tổ chức bộ máy Nhà nước, không có tình trạng quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập và quan trọng không bị phình bộ máy thanh tra.Lý giải về việc không chọn phương án 1, đại biểu cho rằng, sẽ bất cập và không khả thi. Bởi, khi giao cho một đầu mối sẽ dẫn đến quả tải và không hợp lý vì người có nghĩa vụ kê khai tại cơ quan đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ... lại do cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản thu nhập dẫn đến phình tổ chức bộ máy.Về đối tượng kê khai tài sản thu nhập, đại biểu Đào Tú Hoa cho rằng đã mở rộng hơn so với quy định hiện hành nhưng lại tỏ ra băn khoăn. Theo đại biểu, với quy định hiện hành, thực tiễn kê khai còn hình thức, hiệu quả thấp do số lượng người kê khai lớn (hơn 1 triệu bản kê khai/năm). Việc kê khai xuất phát từ tinh thần tự giác của người kê khai còn nguồn lực kiểm soát không đáp ứng được. Từ đó, đại biểu này đề xuất nên thu hẹp đối tượng, tập trung vào vị trí có nguy cơ tham những cao. Còn nếu có mở rộng thì cần có lộ trình và bước đi thận trọng.Tương tự, về cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, đại biểu Đào Thanh Hải cho rằng, theo quy định luật hiện hành, bản kê khai, xác minh bản tự kê khai tài sản gần như được cơ quan, đơn vị bỏ ngỏ (trừ khi có đơn thư khiếu nại, tố giác). Vì vậy, nhất trí phương án 2 mà Chính phủ trình Quốc hội. Còn về hướng xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình hợp lý thì đại biểu Hải nhất trí với phương án 1. Bởi cho rằng đây là vấn đề mới đặt ra và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu kỹ về quy định này, bảo đảm tính khả thi đưa vào, còn khó khả thi thì tạm thời dừng lại.
Đại biểu Đào Thanh Hải phát biểu ý kiến |
Tránh hình thứcĐại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (Chủ tịch HĐND TP Hà Nội) bày tỏ tâm đắc với 2 điều mới về trách nhiệm người đứng đầu được quy định trong Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng lần này. Theo ĐB, thực tiễn cho thấy Hà Nội rất coi trọng việc phòng chống tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, trở thành chương trình của cấp ủy. Trong chương trình đó, hàng tháng có giao ban, kiểm định lại và nêu rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng dầu. Người đứng đầu phải có giải pháp phòng sau đó mới chống nhưng luật chỉ quy định chống.Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, các biện pháp ngăn ngừa cũng chưa được đề cập trong dự thảo. Để có biện pháp ngăn ngừa thì trước hết phải rà soát cơ chế chính sách có cơ hội tham nhũng. Thực tế, Hà Nội đã rà soát quy định, tiêu chuẩn về xe công vụ, lịch công tác của cán bộ lãnh đạo được công khai trên cổng thông tin điện tử để có tác dụng phòng ngừa, chống lãng phí. Đối với vai trò của MTTQ và quần chúng Nhân dân được quy định tại chương 7 chủ yếu là vận động mà vai trò giám sát rất mờ nhạt nên cần quy định rõ hơn. Từ thực tiễn của Hà Nội cho thấy, vai trò giám sát của MTTQ rất chặt chẽ.Còn đối với việc có nên mở rộng đối tượng kê khai tài sản không? đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng quy định như hiện tại hợp lý và quan trọng là việc quản lý ra sao. Khi quy định cần tránh hình thức và nên thay đổi cách thức trong quản lý, giám sát. Thực tế, hiện nay Hà Nội đang có 34.500 người thuộc diện kê khai tài sản và việc kê khai được thực hiện qua 2 hình thức (niêm yết công khai tại cơ quan và tổ chức hội nghị cán bộ để thông báo). Cách làm này đang tạo ra hiệu quả bởi đã giao cho lãnh đạo cơ quan phải chịu trách nhiệm trong việc kê khai tài sản của cán bộ trong cơ quan.