Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Dự thảo Luật Thủ đô được chuẩn bị công phu, nghiêm túc

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP Hà Nội), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc, đánh giá các kết quả thực hiện Luật Thủ đô 2012 và đã xác định rõ vị trí, vai trò, yêu cầu phát triển Thủ đô trong tình hình mới.

Sáng 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cập nhật tính đồng bộ, phù hợp với các luật liên quan

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP Hà Nội) cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP Hà Nội), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP Hà Nội), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc

Theo đại biểu, dự thảo Luật lần này đã được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc, đánh giá các kết quả thực hiện Luật Thủ đô năm 2012 và đã xác định rõ bối cảnh, vị trí, vai trò, yêu cầu phát triển Thủ đô trong tình hình mới. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung, xem xét, cập nhật tính đồng bộ, tính phù hợp với các luật như đất đai, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa.

Dự thảo Luật sửa đổi có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô trong thời gian tới nói riêng. Dự thảo Luật Thủ đô lần này đã cụ thể hóa khá đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…

Các đại biểu tham gia kỳ họp
Các đại biểu tham gia kỳ họp

Góp ý về vấn đề khoa học, công nghệ của Thủ đô, chủ yếu tập trung vào Điều 25 của dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị khuyến khích và tạo thuận lợi hơn cho các nhà khoa học thì cần sửa đổi, bổ sung và khoán các gói sản phẩm trung gian của đề tài. Sửa đổi Khoản 4, Điều 25 theo hướng giao UBND TP Hà Nội xây dựng một chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng trọng tâm, trọng điểm có tính liên ngành, liên tục, giải quyết triệt để một số vấn đề hay lĩnh vực quan trọng nào đó mà thành phố cần gắn với sản phẩm cuối cùng mang thương hiệu của thành phố.

Đồng thời nên bổ sung Điều 25 quy định thành phố có quỹ hỗ trợ kinh phí sáng tạo, có chế độ lượng thưởng đặc biệt cho chuyên gia các lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng của thành phố, giao các trường đại học trên địa bàn Hà Nội tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo, nuôi dưỡng đội ngũ chuyên gia cho thành phố.

Đảm bảo không xung đột với các quy định trong hệ thống pháp luật

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (Đoàn tỉnh Hà Giang) cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Dự thảo Luật Thủ đô cũng như các nội dung của dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô…

Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (Đoàn tỉnh Hà Giang) cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Dự thảo Luật Thủ đô cũng như các nội dung của dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô
Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (Đoàn tỉnh Hà Giang) cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Dự thảo Luật Thủ đô cũng như các nội dung của dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô

Đại biểu cho biết, các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết 06, Nghị quyết số 15 về định hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Theo đại biểu, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đảm bảo được các nguyên tắc thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; đảm bảo cơ chế, chính sách phù hợp; bám sát 9 nhóm nội dung chính sách được thông qua; quy định chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển, quy định của Luật Thủ đô năm 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm và luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

“Có thể thấy Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang đề xuất những chính sách đặc thù vượt trội, tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Điều này đồng nghĩa với các quy định chính sách tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ không tránh khỏi những xung đột với các văn bản luật hiện nay và trong tương lai. Đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần lưu ý để giải quyết vấn đề này” - đại biểu Tráng A Dương nêu ý kiến.

 

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị để phát triển bền vững Thủ đô theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, tạo động lực lan tỏa cho cả nước cùng phát triển.

Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu nhấn mạnh hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Do vậy, đại biểu đề nghị trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần làm rõ một số cơ chế, chính sách đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.