Ngày 30/5, Quốc hội giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay”. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022, được đánh giá là điểm nhấn trong công tác giám sát của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Sau khi nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.
Quy hoạch phải đi trước một bước
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐQBH tỉnh Hưng Yên) đánh giá, kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay, công tác quy hoạch đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch; triển khai tích cực các công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại những hạn chế, một số quy quy định pháp luật về quy hoạch chưa đồng bộ và không còn phù hợp với thực tiễn chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung, quy định pháp luật liên quan hoạt động quy hoạch chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động quy hoạch.
Một số quy định về đấu thầu, lựa chọn tư vấn quy hoạch được ban hành trước khi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công luật có hiệu lực nên chưa có sự đồng bộ giữa quy định pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về quy hoạch.
“Việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian gần đây nhưng vẫn chậm so với yêu cầu.
“Công tác quy hoạch giữ vai trò rất quan trọng nên chúng ta phải có quy hoạch tốt, do đó quy hoạch phải đi trước một bước” - ĐB Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cũng đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch 2021-2030. Theo đó, công tác quy hoạch muốn thực hiện tốt phải bám sát Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bám sát Luật Quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan.
Cùng với đó, đánh giá được tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng bộ, ngành và các địa phương; phải đánh giá được khó khăn, thách thức của Bộ, ngành, địa phương, đơn vị mình; từ đó có quy hoạch kinh tế phát triển - xã hội phù hợp.
Các Bộ, ngành, địa phương phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, phải xác định công tác quy hoạch là trọng tâm, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và các nguồn lực khác cho công tác quy hoạch. Xây dựng cơ sở dữ liệu để tăng cường phối hợp, kết nối chia sẻ dữ liệu về quy hoạch, phải vì sự phát triển chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không cục bộ, mánh mún.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp để nâng cao hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, nhằm kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quy hoạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý vi phạm về quy hoạch.
"Phải làm tốt công tác quản lý quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh quy hoạch. Việc quy hoạch phải điều chỉnh là minh chứng quy hoạch chưa tốt, chưa có tầm nhìn chiến lược dài hạn, chưa phù hợp thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” - Đại biểu Nguyễn Đại Thắng nêu quan điểm.
Khắc phục thời gian lập quy hoạch kéo dài
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) nhận xét, báo cáo đã cho thấy bức tranh tổng thể từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đến việc triển khai việc lập, thẩm định quyết định và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017.
Những nhận xét, đánh giá trong báo cáo đều dựa trên những tài liệu và thực tiễn khách quan đang tồn tại và diễn ra trong quá trình thực thi Luật Quy hoạch.
Đại biểu cũng đồng tình với các kiến nghị về việc ban hành Nghị quyết giám sát, đề ra những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, một trong những điểm mới đáng ghi nhận là công tác dự báo trong quá trình lập quy hoạch mới đã dựa trên cơ sở khoa học và không ấn định các con số cụ thể được áp dụng trong phương pháp luật quy hoạch ngành quốc gia.
Phương pháp này là phù hợp với tốc độ biến đổi nhanh chóng của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và vẫn tình hình được quy mô đầu tư giúp cho nhà đầu tư chủ động và yên tâm khi quyết định đầu tư.
Đại biểu cũng nhận thấy rằng việc thực hiện Luật Quy hoạch trong điều kiện khó khăn, chồng khó khăn về nhân lực, năng lực của hầu hết tổ chức tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu quy hoạch tổng hợp, các chuyên gia nước ngoài lại không am hiểu về lịch sử, văn hóa, luật pháp, không am hiểu sâu sắc về tiềm năng, lợi thế vùng, tỉnh. Do đó, trong điều kiện khó khăn về nhân lực thì nhiều quy đạt mục tiêu đến ngày 31/12/2022 được phê duyệt cũng có thể được coi là thành công.
Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế làm cho thời gian lập quy hoạch kéo dài, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị trong Nghị quyết giám sát cần có giải pháp khắc phục việc hướng dẫn mẫu hóa các nội dung như đề cương, nhiệm vụ lập quy hoạch chưa rõ, thời gian thẩm định và phê duyệt tương đối dài...
Đồng thời tháo gỡ vướng mắc về quy định các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ không thể tham gia đấu thầu các gói thầu tư vấn lập quy hoạch do Bộ, cơ quan ngang Bộ làm chủ đầu tư, trong khi đây là những đơn vị có năng lực và kinh nghiệm, có thông tin và cơ sở dữ liệu tốt nhất.