Đại biểu Quốc hội hiến kế chống lãng phí đo đếm được và cả “vô hình”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lần đầu tiên Quốc hội đã vấn đề kết quả thực hiện tiết kiệm chống lãng phí ra thảo luận kỹ càng tại tổ và hội trường. Nhiều giải pháp đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra với kỳ vọng, việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ đi vào nề nếp, tạo thêm nguồn lực lớn cho phát triển.

Trăn trở với nhiều lãng phí “vô hình”
Từ thực tế, nhiều ý kiến đã chỉ ra, lãng phí có những việc thấy và đo đếm được, nhưng rất nhiều việc không thấy, không đo, đếm được nếu mình không chú ý. Lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, từ lãng phí nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, đến lãng phí đất đai, tài nguyên, khoáng sản… Theo đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên), trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và đầu tư công, một số công trình chậm tiến độ, chậm triển khai thực hiện và hoàn thành dẫn đến lãng phí không nhỏ. Trong đó, lãng phí về mặt tài chính do kéo dài, do tăng giá, trượt giá, tăng vốn… lãng phí về mặt xã hội, ảnh hưởng đến đời sống.
Trong số liệu về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 cũng cho thấy, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 187.426 cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366ha đất; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830ha đất. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phân tích thêm, lãng phí trong đầu tư công luôn là vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm, rõ ràng việc chúng ta lãng phí bao nhiêu ngân sách nhà nước cho các dự án này. Các dự án đầu tư công này không hoàn thành tiến độ kéo theo các dự án khác bị ảnh hưởng ra sao cần được làm rõ. Cùng với đó là những lãng phí trong tiêu dùng hàng ngày, Chính phủ cần đưa ra để mỗi người dân biết và thực hành tiết kiệm.
 Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại Kỳ họp thứ Nhât, Quốc hội khóa XV
Đó là những lãng phí thể thể ít nhiều cân đo được, nhưng đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) còn chỉ những lãng phí “vô hình”. Theo đại biểu, chống lãng phí có thể nói là phạm trù rất rộng, đó là tiền bạc, kinh phí, đất đai, thời gian, cơ hội; đặc biệt là sức lực, trí tuệ, rồi có những việc đó là cách thức tổ chức làm việc, rồi chủ trương, chính sách nữa. Một chủ trương chính sách sai có thể gây lãng phí cực kỳ nhiều, không đo đếm nổi. “Chống lãng phí phải trước hết là phải thực hành tiết kiệm và biết để đừng làm ra những việc gây ra lãng phí, việc đó tôi nghĩ còn quan trọng hơn. Khi làm như vậy thì hiệu quả tốt hơn rất nhiều. Muốn vậy phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về tiết kiệm, chống lãng phí” – đại biểu góp ý. Các đại biểu cũng chỉ ra những lãng phí trong việc cán bộ, công chức, viên chức phải theo học những chứng chỉ để sẵn sàng cho việc bổ nhiệm.
Phải tạo thành ý thức, lối sống
Đặt ra vấn đề phải làm sao để chống lãng phí không chỉ là hình thức, hô hào khẩu hiệu mà phải được thực hành rộng rãi, tạo thành ý thức, lối sống của cán bộ, người dân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cua Quốc hội) cho rằng: "Nhiều người nghĩ rằng, chỉ tiết kiệm, chống lãng phí nguồn ngân sách nhà nước, còn các nguồn lực khác thì không quan tâm. Đây là nhận thức chưa đầy đủ, cần thay đổi để việc thực hành tiết kiệm trở thành việc làm thường xuyên.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, muốn tiết kiệm, chống lãng phí phải là thói quen, nếp sống của từng cá nhân phải bắt đầu từ giáo dục, từ mầm non, mẫu giáo. Ở nhiểu nước, chống lãng phí đã trở thành đặc trưng của quốc gia văn minh, phát triển. Họ chống lãng phí không chỉ của mình mà còn của cả người khác, của xã hội. Thấy vòi nước đang chảy không ai dùng ở ngoài nhà ga, công cộng là tự đến ngắt luôn.
 Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) tại thảo luận tổ
Theo các đại biểu, Chính phủ cần tập trung vào một số giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, về đất đai, làm sao cho đồng bộ và thuận lợi trong quá trình chúng ta triển khai thực hiện. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các khâu, từ giao kế hoạch, thẩm định, quyết định đầu tư… Nâng cao phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản, gắn với việc chúng ta giao quyền với chế độ chịu trách nhiệm. Đồng thời, chú trọng vào công tác chuẩn bị đầu tư, gắn trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc chuẩn bị đầu tư.
Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Lã Thanh Tân, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có 3 hệ thống định mức tiêu chuẩn chế độ gồm: Hệ thống văn bản mà các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành, hệ thống định mức tiêu chuẩn chế độ của cơ quan quản lý ngân sách, lao động và định mức tiêu chuẩn chi tiêu nội bộ. Đây là căn cứ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, do đó, cần làm rõ và đánh giá cụ thể hơn việc thể chế được những hệ thống chỉ tiêu định mức so với yêu cầu cần ban hành.
Năm 2022, Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021". Nội dung giám sát tập trung đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần