Đại biểu Quốc hội: Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, cần hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ…

Chiều 27/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách Nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.

Chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong thời gian qua, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam như một ngôi sao sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới không ngừng biến động và gặp nhiều khó khăn. Thành tựu đó đạt được là do sự điều hành linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, cùng với đó là sự vào cuộc nhanh chóng, hỗ trợ kịp thời của Quốc hội. Đại biểu cho rằng, đây là bài học trong điều hành đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thay đổi khó lường trước mắt.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị tăng cường nguồn lực để nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cần chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, không đặt mục tiêu thu ngân sách quá cao để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa, cần chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển.

Đại biểu cũng cho rằng, cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, hạn chế khởi công mới, dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Trong đó có các lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là đường sắt, vận tải biển, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Quan tâm việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục

Thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn tỉnh An Giang) cũng chỉ ra, vẫn còn có những băn khoăn khi tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều và bền vững. Đại biểu cho biết, cử tri phản ánh giá đầu vào sản xuất chưa ổn định, giá vật tư tăng cao, thiếu hụt xăng dầu cục bộ.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (Đoàn tỉnh An Giang) thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (Đoàn tỉnh An Giang) thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Từ đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp phân quyền chủ động nắm bắt tình hình có biện pháp chỉ đạo điều hành ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm ổn định giá cả hàng hóa, nâng cao đời sống người dân.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm quan tâm xem xét việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục cho phù hợp hơn. Cùng với các ngành, các cấp, ngành giáo dục cũng thực hiện lộ trình giảm 10% biên chế mỗi năm. Tuy nhiên, đối với ngành giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục phổ thông thì hầu hết các trường đều có đặc thù nhất định, xác định rõ định mức giáo viên đối với từng cấp học. Chính vì vậy, việc thực hiện giảm 10% biên chế viên chức hàng năm đối với hệ thống giáo dục phổ thông gây ra tình trạng bất hợp lý và rất khó khăn cho ngành giáo dục. Đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc đảm bảo lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức quy định với tinh thần có học sinh có lớp học thì phải có đủ giáo viên.

Cho biết việc cho phép các trường trung cấp đủ điều kiện tiếp tục tổ chức dạy học văn hóa, hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT hiện nay có những khó khăn, bất cập vẫn chưa được giải quyết tháo gỡ, đại biểu Trần Thị Thanh Hương kiến nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo thống nhất về vấn đề này theo hướng tiếp tục cho phép tổ chức dạy văn hóa trong các trường trung cấp, cao đẳng theo đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người có thêm cơ hội để học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay tại các địa phương.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn tỉnh Bình Dương) thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn tỉnh Bình Dương) thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Chú trọng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian vừa qua, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn tỉnh Bình Dương) nêu rõ, từ những kết quả khả quan đạt được trong năm 2022, có thể thấy rõ bài học kinh nghiệm về chuẩn bị từ sớm, từ xa cần được tiếp tục áp dụng để đạt được những mục tiêu Đảng đã đề ra. Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 nước ta sẽ đạt mốc thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 sẽ là nước thu nhập cao. Để đạt được các chỉ tiêu cao liên tục trong nhiều năm, cần chú trọng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường để không tốn chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tài nguyên...

Đại biểu cho biết, điểm nghẽn hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm rõ vấn đề này, đặc biệt là hạ tầng cấp thoát nước. Đồng thời, cần có cơ chế tốt hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực xử lý nước thải, cần giao thêm trách nhiệm xử lý nước thải cho các địa phương cho đến khi có Luật về xử lý, thoát nước được ban hành.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh, bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng về giao thông tại phần phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023.