Trao đổi bên hành lang Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, nêu quan điểm về phạm vi áp dụng giảm thuế theo Tờ trình của Chính phủ, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm bày tỏ: Theo tôi, giảm thuế là để kích cầu, kích thích tiêu dùng, nhưng trong các mặt hàng mà nền kinh tế chúng ta đang sản xuất, tiêu dùng thì phải lựa chọn, không phải mặt hàng nào cũng cần khuyến khích tiêu dùng. Những mặt hàng nào hạn chế tiêu dùng vẫn cần để ở một mức thuế để hạn chế. Với mặt hàng khuyến khích tăng tiêu dùng thì cần giảm thuế.
"Do vậy không nên giảm thuế ở mức đồng đều với tất cả các mặt hàng mà cần có sự cân nhắc để định hướng tiêu dùng, để nền kinh tế lành mạnh, xã hội lành mạnh", đại biểu Trần Văn Lâm nêu.
Phân tích điều này, đại biểu cho biết, Chính phủ đề xuất giảm thuế 2% với tất cả các mặt hàng chịu thuế 10%. Tuy nhiên, trong các mặt hàng chịu thuế 10% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 đã cân nhắc một số lĩnh vực dù trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và thu được lợi nhuận lớn hơn trước. Chẳng hạn như các dịch vụ kinh doanh về y tế như vật tư y tế, thuốc men hay buôn bán hàng hoá online, các dịch vụ công nghệ... Vì thế phải cân nhắc các lĩnh vực, họ không bị ảnh hưởng lớn thì không cần giảm thuế.
Trong giai đoạn trước đây theo Nghị quyết 43/2022/QH15 thì ngân hàng, chứng khoán, bất động sản làm ăn được nên không giảm thuế. Còn ở giai đoạn hiện nay cũng có những băn khoăn nhưng chưa đánh giá được hết tác động nên chưa thuyết phục được để hỗ trợ khác với Nghị quyết 43/2022/QH15.
Dẫn chứng cho nhận định này, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết, vừa qua một số ngân hàng báo cáo lãi suất lớn nên nếu tiếp tục giảm thuế thì không hợp lý. Trong khi đó, bất động sản, chứng khoán gặp khó khăn. Nhưng Chính phủ đang gộp chung vào nên không đánh giá tác động riêng. Vì vậy theo tôi trước mắt nên áp dụng theo phạm vi Nghị quyết 43/2022/QH15.
Trước câu hỏi với mức giảm thuế 2% cho tất cả các lĩnh vực có hợp lý không, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng, mức này cũng cần cân nhắc vì thực tế Chính phủ đề xuất giảm trong vòng 6 tháng. Việc điều chỉnh "giật cục" lên, xuống nên các cơ quan, doanh nghiệp điều chỉnh hệ thống hạch toán cũng khó khăn; cơ quan quản lý theo biến động đó để tổ chức quản lý cũng phức tạp.
Tuy nhiên, việc kéo dài hay không phải đánh giá tác động trên cơ sở đảm bảo ổn định vỹ mô (có nhiều yếu tố trong đó đảm bảo cân đối thu chi ngân sách là nhiệm vụ quan trọng). Chi phải có tiền để chi, không có tiền thì vỡ nhiệm vụ chi, gây nên bất ổn. Muốn có chi phải đảm bảo thu, trong khi thu cứ đòi giảm thì không có tiền để thực hiện nhiệm vụ chi. Vì thế phải cân đối hài hoà.
Theo đánh giá cho thấy 4 tháng đầu năm thu ngân sách khó, nền kinh tế khó khăn, nếu giảm lớn hơn, dài hơn phải tính toán ngân sách có chịu được không. Bội chi lớn quá thì nguy hiểm cho nền kinh tế. Vì thế làm sao phải tính toán hài hoà để ổn định kinh tế vỹ mô...
"Theo tôi, mức giảm thuế 2% tạm thời chấp nhận được. Sau 6 tháng có thể tính toán tiếp, nếu cần thiết thì tiếp tục còn trước mắt để đảm bảo hệ số an toàn thì xác định ở mức đó để khả thi", đại biểu Trần Văn Lâm nói.