Đại biểu Quốc hội lo lắng nguy cơ lạm phát có thể tăng cao

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/6, thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cho rằng, nguy cơ về lạm phát vẫn có thể tăng cao.

Nguy cơ về lạm phát có thể tăng cao

Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra khác của các cơ quan của Quốc hội về kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 bước sang năm 2022, đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn tỉnh Yên Bái) ghi nhận, nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực với sự chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch cùng với việc triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn tỉnh Yên Bái)
Đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn tỉnh Yên Bái)

Tuy nhiên đại biểu cũng cho rằng nền kinh tế còn đối mặt với các thách thức. Đại biểu chỉ rõ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 và việc triển khai một số chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 còn rất chậm nhất là nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng.

Điều này làm giảm hiệu quả ý nghĩa của chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như chương trình đã đặt ra. Cùng với đó là áp lực về lạm phát có nguy cơ tăng cao, tác động lớn đến sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung cho biết, hiện nay thế giới đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh và chính sách phòng, chống Covid-19 của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid-19.

Cùng với đó, chính sách kích thích kinh tế sau đại dịch của nhiều quốc gia trên thế giới tác động chung đến tổng cầu. Do tác động đại dịch chi phí tuyển dụng lao động mới tăng cao, khiến các doanh nghiệp cũng rất là khó khăn.

Xung đột địa chính trị làm cho giá dầu và giá lương thực tăng cao, chưa có xu hướng ổn định và giảm cùng với giá các nguyên liệu đầu vào như sắt, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa bị đội lên. Trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới như phân tích trên, đại biểu nhấn mạnh nguy cơ về lạm phát có thể tăng cao.

Do vậy, để đảm bảo phục hồi và phát triển kinh tế ổn định, an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm người dân có thu nhập thấp, đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 một cách có hiệu quả, Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường nguyên vật liệu ưu tiên việc phát triển sử dụng nguồn vật liệu trong nước để giảm thiểu tác động bởi xung đột trên thế giới và xung đột trên thế giới và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời theo dõi sát biến động giá các loại vật liệu xây dựng kịp thời, có giải pháp hỗ trợ các nhà thầu thi công khắc phục các khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều hành, điều tiết bình ổn giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như là địa giá dịch vụ y tế, dịch vụ giao được giáo dục.

Nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực hệ thống kho dự trữ xăng dầu để đáp ứng chủ động và dài hạn nhu cầu của nền kinh tế; dự báo sát tình hình để kịp thời điều hành giá một cách hợp lý.

Ngoài ra, theo đại biểu cũng cần thúc đẩy nhanh chuyển đổi số của các cơ quan quản lý khu vực, doanh nghiệp có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân để giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế.

Tăng cường công khai, minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn tỉnh Thừa Thiên-Huế) khẳng định thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn tỉnh Thừa Thiên-Huế)
Đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn tỉnh Thừa Thiên-Huế)

Đại biểu cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tác dụng làm giảm áp lực đối với các kênh tín dụng, góp phần tài trợ vốn cho phát triển nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong trái phiếu nói riêng cũng như thị trường chứng khoán nói chung.

Tuy nhiên trên thị trường trái phiếu thời gian vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng theo quy định của pháp luật gây ra nhiều lo ngại về rủi ro cho các hà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, gây mất cân đối với nền kinh tế khi dòng vốn đi vào những thị trường rủi ro, có tính đầu cơ cao thay vì đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế để phát triển kinh tế - xã hội…

Đề xuất các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Hải Nam đề nghị, cần tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hình thức giao dịch tập trung để tăng cường công khai, minh bạch cũng như tăng cường quản lý, giám sát chặt thị trường. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hơn các tổ chức phân phối bán trái phiếu doanh nghiệp để tránh những hành vi có tính chất lôi kéo, xúi giục người dân mua trái phiếu rủi ro.

Quan tâm hơn nữa đến doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh

Tham gia ý kiến tại hội trường, đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đoàn tỉnh Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai một số chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư công, quan tâm giải ngân vốn đầu tư công, phân bổ vốn đầu tư cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giảm nghèo bền vững.

Đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đoàn tỉnh Quảng Ninh)
Đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đoàn tỉnh Quảng Ninh)

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đang gặp khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ phát sinh nợ xấu. Hiện nay, đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi, nhưng đại biểu cho rằng cũng cần đề phòng làn sóng mới của dịch và các vấn đề hậu Covid.

Cho biết tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang các nước láng giềng đã được Chính phủ tháo gỡ, đại biểu đề nghị Chính phủ có định hướng, kế hoạch cùng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhất trí cao với giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ xuất khẩu bền vững, góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội, đại biểu nhấn mạnh, trong từng chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, của Nhà nước đã được thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt, sự quan tâm toàn diện đến đời sống nhân dân, khẳng định tính nhân văn nhân bản của dân tộc ta, từ đó nhân dân ta phấn khởi, tin tưởng rất cao vào Đảng và Nhà nước.