Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.... Đồng thời, thảo luận việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022...
Lương hưu vài triệu đồng, làm sao sống được?
Phát biểu tại tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ sớm xây dựng lộ trình cải cách tiền lương. Trong quá trình xây dựng lộ trình cải cách tiền lương, phải xác định mức tiền lương tối thiểu, đảm bảo mức sống tối thiểu, nếu không sau đó, cán bộ, công chức sẽ rất khó khăn, đặc biệt là người lao động.
“Tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã đi gặp gỡ nhiều công nhân, người lao động, nhiều năm làm việc ở doanh nghiệp, tham gia đóng đủ bảo hiểm xã hội nhưng khi về hưu chỉ nhận mức lương 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng, làm sao sống được? Nhiều người lại phải đi làm thêm kiếm đủ tiền trang trải” - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân trăn trở.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá đây là một trong những tồn tại lâu năm, mức lương hưu của nhiều đối tượng vẫn không đủ sống. Đại biểu chỉ rõ mức đóng bảo hiểm xã hội của nước ta hiện nay thấp, nhưng muốn tăng mức đóng không dễ.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, việc tăng lương cơ bản còn những bất cập. Mỗi lần tăng lương cơ sở ở mức vài trăm nghìn đồng, những người trẻ, cần phải tích lũy để xây dựng gia đình, nuôi con thì hưởng mức thấp do hệ số thấp; chỉ những người có hệ số cao thì mức tăng lương mới đáng kể.
“Khi tính lương theo hệ số, những người làm việc đột phá cống hiến nhiều, nhưng còn trẻ thì hệ số thấp, sẽ nhận về tiền lương không cao, không thể bằng những người lao động lão làng nhưng không có gì xuất sắc, làm việc bình thường. Như vậy, chúng ta vẫn bị “chủ nghĩa bình quân”, cần phải nghiên cứu để có chính sách tiền lương phù hợp hơn” - đại biểu nêu quan điểm.
Dẫn chứng thêm về mức lương của những ngành nghề hot trong xã hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, không chỉ những người về hưu, ngay cả người mới ra trường làm nghề bác sĩ, dược sĩ, lương cũng không đủ sống…
Đề nghị dùng ngân sách mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi
Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị Chính phủ nghiên cứu một số chính sách xã hội phù hợp thực tiễn. Thứ nhất là chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), đến năm 2022 đạt BHYT toàn dân là 92,6%, đặc biệt BHYT với người cao tuổi đạt 95% năm 2021, tuy nhiên đến 2022 lại giảm.
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, có các nguyên nhân cần nghiên cứu gồm: Quyết định 861 của Chính phủ quy định các xã được công nhận nông thôn mới, các hộ, xã bản thoát nghèo thì ngân sách không cấp để hỗ trợ mua BHYT. Vì vậy các tỉnh lớn, được công nhận nông thôn mới giảm đáng kể tỉ lệ tham gia BHYT. Trong khi đó, tỉ lệ tuổi thọ ở Việt Nam cao nhưng không khoẻ, 95% người cao tuổi Việt Nam có 2,9 bệnh nền. Nếu không có BHYT thì quá khó khăn.
Đại biểu Trương Xuân Cừ đề nghị Chính phủ trình Quốc hội nên dùng ngân sách để mua BHYT cho người cao tuổi. Theo thống kê hiện còn 5% người cao tuổi chưa có bảo hiểm. Tuy nhiên trong 5% này có khoảng 2% người cần hỗ trợ mua BHYT. Thực tế vừa qua làm việc với HĐND một số tỉnh cho thấy để trích ngân sách mua BHYT thì quá lớn với các tỉnh đông dân. Nếu không có nghị quyết của Quốc hội thì chắn chắn không thể thực hiện được BHYT toàn dân. Nếu không giải quyết được vấn đề BHYT nói chung và cho người cao tuổi nói riêng thì sẽ rất khó khăn cho người cao tuổi.
Thứ hai là chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), chúng ta coi đó là ưu việt, bằng nhiều hình thức tuyên truyền vận động để các tầng lớp Nhân dân mua BHXH tăng lên, đây là tương lai tốt. Nhưng chỉ trong vòng chỉ 3 năm vừa qua, lượng người rút BHXH một lần đã khoảng 4 triệu người. Xu thế này dự báo sẽ tăng vì trước mắt khó khăn ít người nghĩ đến khi về già. Hiện chỉ có 3,1/16 triệu người cao tuổi có lương hưu; 1,9 triệu người có trợ cấp xã hội, còn lại 11 triệu người hiện nay phải lao động chân tay kiếm sống hàng ngày.
"Cần có chính sách hỗ trợ BHXH với hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, Luật BHXH nên tính toán lại, rút ngắn lại hoặc có bảo hiểm đặc biệt cho người cao tuổi, trung tuổi chỉ khoảng 10-15 năm để sau này khi già hoặc khả năng lao động yếu kém thì có ổn định về cuộc sống", đại biểu Trương Xuân Cừ nêu.
Về chính sách bảo trợ: Nghị định 20 của Chính phủ ngày 15/3/2021 về chính sách trợ cấp xã hội với các đối tượng, trong đó có người cao tuổi. Nhưng vấn đề ở đây là với người 80 tuổi trở lên ai cũng bảo trợ nhưng với người 70-80 tuổi chỉ trợ cấp với người cao tuổi thuộc hộ nghèo ở vùng dân tộc có điều kiện kinh tế khó khăn.
“Đây cũng là ưu việt nhưng đã là hộ nghèo thì ở đâu cũng khổ chứ không riêng vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi, dân tộc. Các hộ nghèo ở miền xuôi, thành thị đều có hoàn cảnh đặc biệt như ốm đau, bệnh tật, con nghiện... Vì thế nên điều chỉnh hỗ trợ từ người 75 tuổi trở lên với các hộ nghèo trong toàn quốc và giữ nguyên hộ cận nghèo chỉ với vùng dân tộc, miền núi. Như vậy mới hợp lý về trợ cấp” - đại biểu Trương Xuân Cừ nêu quan điểm.