Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội "mổ xẻ" nguyên nhân thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách sách Nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp sáng 27/10. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp sáng 27/10. Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều lĩnh vực phát triển chưa tương xứng

Tham gia thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) bày tỏ đồng tình với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu chưa được kiểm soát có hiệu quả, với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả khá quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, ước khả năng đạt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việt Nam là một trong số các đất nước trên thế giới được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao việc phòng, chống dịch Covid- 19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch. 

Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, đánh giá thật đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, các vấn đề xã hội, văn hóa, dân sinh là chưa tương xứng. Một bộ phận người dân, nhất là nông dân, ngư dân ngay trong đại dịch đã khó khăn, tuy Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nay vẫn còn chưa thoát nghèo, thoát được khó khi giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều thách thức…

Đại biểu Quốc hội "mổ xẻ" nguyên nhân thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm - Ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả. Xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự… cùng với những tồn tại, hạn chế khác mà Chính phủ nêu trong báo cáo. Theo đại biểu, đây là những thách thức hết sức lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội nước ta trong năm 2023. 

Nguyên nhân của tình trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 như đã đề ra, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023. "Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử" - đại biểu Nguyễn Hữu Thông chia sẻ.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, có hai nguyên nhân chính. "Một là chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với các vấn đề, đối với vấn đề này áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng, nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác thì lại sai."

Đại biểu đưa ra dẫn chứng, "một trong những vấn đề dễ sai nhất, đó là xác định giá đất. Theo quy định hiện hành, việc xác định giá đất hầu như bằng các yếu tố giả định nên không chính xác.

Tại phiên chất vấn của UBTV Quốc hội ngày 16/3/2022 đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường liên quan đến đấu giá đất, tham gia làm rõ những ý kiến của đại biểu quan tâm, Bộ trưởng có phát biểu, phương pháp xác định giá đất, giá khởi điểm theo quy định tại Nghị định 44 và Thông tư số  36 ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên-Môi trường là không chính xác và đề nghị phải sửa đổi.

Tuy nhiên, đến nay, các quy định trên vẫn chưa sửa đổi và thực tế ở các địa phương có nhiều dự án lớn và rất lớn vẫn chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư, nếu không có giải pháp quyết liệt thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khó hoàn thành."

Nguyên nhân thứ hai, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, "cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đã được Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 14 ngày 22/9/2021, nhưng chủ trương đúng đắn đó chưa được cụ thể hóa bằng các quy phạm pháp luật, nên vẫn còn tình trạng cán bộ ngại trong quá trình công tác, họ làm cầm chừng, không dám đột phá."

Do vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Quốc hội và Chính phủ, các bộ ngành trung ương một mặt thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ phù hợp với thực tế. Mặt khác, sớm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

 Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ  (Đoàn tỉnh Quảng Nam) tranh luận tại Hội trường. Ảnh: quochoi.vn
 Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ  (Đoàn tỉnh Quảng Nam) tranh luận tại Hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Ấn nút tranh luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn tỉnh Quảng Nam) đồng ý với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Thông về tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ, triển khai nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân.

 

"Về tình trạng một bộ phận công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm, thực tế hiện nay có một bộ phận không nhỏ công chức rất có năng lực nhưng lại thiếu về động lực, hoặc họ giống như một số cầu thủ bóng đá còn cá độ hoặc đi lững thững trong những trận đấu quyết liệt, có tính sống còn hay chủ động bỏ ra ngoài sân khi trận đấu còn cần họ. Việc cấp bách hiện nay là chúng ta phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chế độ tối ưu để tuyển chọn và xây dựng cho được một đội ngũ công chức, lãnh đạo ưu tú, dấn thân vì Tổ quốc mình. Họ rất cần được cả xã hội cổ vũ, ủng hộ hết mình để làm nên những kỳ tích mà cả dân tộc có thể tự hào, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cả nhiều thế hệ mai sau. Một thể chế mạnh mẽ, minh bạch, rõ ràng và hiệu lực cao sẽ tạo môi trường làm việc tối ưu, giúp cho công chức yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ nuôi mình và giúp đỡ gia đình và quan trọng hơn họ được pháp luật bảo vệ và khi đó, người bình thường sẽ trở thành anh hùng khi đảm nhiệm những nhiệm vụ gian khó." - Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn tỉnh Hà Nam)

Tuy nhiên theo đại biểu Tạ Văn Hạ, "nếu chỉ nói lỗi là do vướng mắc của chính sách pháp luật thì tôi cho rằng như vậy chưa đủ, mà qua nghiên cứu, thấy cái chính là do con người, do khâu công tác tổ chức thực hiện, chính là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Qua tiếp cử tri, chúng tôi thấy có 3 thành phần, với cán bộ có năng lực hạn chế có tình trạng sợ không dám làm, thứ hai là cán bộ có năng lực nhưng rõ ràng ý thức và tinh thần còn hạn chế, có chuyện nghe ngóng, né tránh. Còn đối tượng thứ ba, khi tôi đặt câu hỏi tại sao luật Đất đai có từ năm 2013, Luật Đấu thầu triển khai từ năm 2013, suốt quá trình đó không vướng mắc như bây giờ, vậy làm bằng cách nào?

Một số người trả lời thẳng thắn, bây giờ không muốn làm và không dám làm, vì trước làm không đúng, làm ẩu, thiếu trách nhiệm, nếu bây giờ làm đúng như vậy thì sẽ phát sinh ra những vấn đề trước đây đã làm, cho nên chúng tôi làm cầm chừng, hạn chế và không dám làm" - đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị: "Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh. Thủ tướng đang rất quyết liệt triển khai, họp ngày, họp đêm, trong khi đó bên dưới với tư tưởng này thì cần phải chấn chỉnh lại, càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân."

Sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

Trong phát biểu của mình, bên cạnh đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua, đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) cũng băn khoăn khi chất lượng năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Thu ngân sách chưa cao, thiếu bền vững, nợ đọng thuế có xu hướng tăng. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, an ninh trật tự an toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp.

 Đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
 Đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Nói về phát triển văn hóa, đại biểu Phan Viết Lượng nhận định, trong 10 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng như Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Hiện nay, phát triển văn hóa chưa tương xứng ngang hàng với phát triển kinh tế, một số bất cập, hạn chế chưa được tháo gỡ. Đại biểu Phan Viết Lượng cho biết, những khó khăn vì nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Để phát triển văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình đã ban hành. Trong đó, cần ưu tiên các chính sách, giải pháp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa văn học nghệ thuật, xây dựng môi trường con người, văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Về thực hiện cơ chế tự chủ cho đơn vị sự nghiệp, đại biểu Phan Viết Lượng đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong các quy định hiện hành ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động các đơn vị cũng như chất lượng cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực y tế giáo dục. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tổ chức đánh giá, làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để có giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ khả thi. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện nghiêm trách nhiệm ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện theo quy định.

Về thực hiện chỉ tiêu tăng năng suất lao động, đại biểu Phan Viết Lượng cũng đề nghị ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo sớm khắc phục tình trạng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn như hiện nay.

Cần phát huy vai trò của Hội đồng quản lý quỹ bảo hiểm xã hội

Tham gia thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) bày tỏ quan tâm đến một số vấn đề trong công tác quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, trong đó có vấn đề tạm ứng thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, và mối liên hệ đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. 

Đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác này thời gian qua, đại biểu Tạ Minh Tâm đề nghị khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; hoàn thiện quy trình tạm ứng, thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế, giám định bảo hiểm y tế, quy trình, phác đồ điều trị… Đại biểu cũng cho rằng, cần thu hẹp khoảng cách giữa chi phí các cơ sở y tế dùng để khám, chữa bệnh với số chi thanh toán của cơ quan bảo hiểm xã hội, rút ngắn thời gian thanh toán, quyết toán.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Hội đồng quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, hoàn thiện quy trình hoạt động để bảo đảm Hội đồng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xử lý kịp thời các vấn đề tài chính bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền.

Đại biểu cũng kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tham mưu Chính phủ sớm có khảo sát, đánh giá tác động của việc chậm lượt thanh toán so với năm tài chính. Ngoài ra, cần cấp bách có giải pháp tháo gỡ, bố trí nguồn chi với các cơ sở y tế mất cân đối thu chi, giúp các đơn vị chủ động được phương án tài chính, duy trì hoạt động ổn định.