Thiệt hại về môi trường hàng trăm năm sau chưa dễ gì khắc phục
Thảo luận về vấn đề kinh tế-xã hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng: “Đối với các kế hoạch trung hạn với phát triển bền vững, chúng ta đều chưa quên tại hội trường này, tại kỳ họp thứ 10, quốc hội khóa XIV đã thảo luận khá sôi động về hậu quả của thiên tại, bão lũ, chúng ta cũng chưa quên những mất mát không tính được bằng tiền, đó là thiệt hại về tính mạng, về những ảnh hưởng tới môi trường mà hàng trăm năm sau cũng chưa dễ gì khắc phục. Và trong kỳ họp, trong Báo cáo 231, Chính phủ cũng trình ra những ngành kinh tế quan trọng như thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng… đó là điều hoàn toàn đúng đắn và cũng tại kế hoạch đầu tư công trung hạn, chúng ta tới đây có 4479 dự án, nhưng các kế hoạch, chương trình ở các mức độ khác nhau đều có tác động ít nhiều đến môi trường và để giảm thiểu các tác động tiêu cực.”
Vì thế, đại biểu Lưu Mai kiến nghị hai vấn đề. Thứ nhất, đó là mong Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tất cả các tác động môi trường và đánh giá cao tính thực chất của báo cáo đánh giá tác động môi trường, tránh hời hợt, hình thức. Thứ hai, cần có cơ chế xác định trách nhiệm cụ thể, nhất là trong trường hợp để xảy ra thiệt hại, tuyệt đối không đổ lỗi cho thiên nhiên.
Từ kế hoạch đến cuộc sống là một chặng đường gian nanĐề cập đến chính sách huy động nguồn lực của mọi thành phần kinh tế cho phát triển đất nước, bà Lưu Mai nhận định: Đây là chính sách hoàn toàn đúng đắn và đã được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng, và tại kỳ họp này, trong các kế hoạch trung hạn thì chủ trương đó một lần nữa được khẳng định.
"Tuy nhiên, chúng ta cũng biết, từ kế hoạch đến cuộc sống là cả một chặng đường gian nan, nếu không có phương án huy động cụ thể, không có giải pháp mang tính đột phá thì luật PPP khó có thể đi vào cuộc sống." - Đại biểu Lưu Mai nhấn mạnh và kiến nghị hai vấn đề
Thứ nhất là cần đánh giá tính hợp lý của mục tiêu huy động, nếu như nhìn vào các kế hoạch trung hạn thì mục tiêu huy động rất lớn. Theo Báo cáo số 19 của Chính phủ, tới đây, dự kiến tổng vốn ngoài ngân sách rơi vào khoảng 14 triệu tỷ, chỉ tính riêng đề án cao tốc đường bộ 3811 km đường bộ thì tổng nguồn lực ngoài ngân sách rơi vào khoảng 69 ngàn tỉ đồng. Đánh giá đây là những con số rất lớn, đại biểu Lưu Mai cho rằng: "Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cần đánh giá hết sức chặt chẽ để đưa ra mục tiêu huy động hợp lý, phù hợp với bối cảnh, tình hình."
Thứ hai là về giải pháp, mặc dù mức kì vọng rất lớn nhưng nhìn vào các kế hoạch trung hạn, chúng ta thấy thiếu các giải pháp mang tính đột phá, vì vậy đại biểu cho rằng cần rà soát để đưa ra các giải pháp mang tính thuyết phục hơn, đặc biệt trong giai đoạn trước khi chúng ta chưa thành công việc huy động PPP cho 8 dự án cao tốc Bắc- Nam thì lần này theo logic bắt buộc, nếu muốn thực hiện thành công thì cần có những bước đi mới, giải pháp mới.