Đại biểu Quốc hội nêu giải pháp để không phải tranh luận “xây nhà hát hay trường học”

D. Tùng - Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nếu có được bộ tiêu chí này sẽ không còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư tràn lan, cho dự án không có khả năng giải ngân. Và cũng sẽ không còn tình trạng tranh luận như thời gian vừa qua, đó là nên xây nhà hát hay xây dựng trường học, bệnh viện ở Thủ Thiêm (TP.HCM)”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Nêu rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư khi xảy ra lãng phí
Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).
Phát biểu thảo luận, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, thành công về kinh tế trong 3 năm qua không chỉ là đạt được tốc độ tăng trưởng cao mà đáng mừng hơn, chúng ta thoát khỏi hai nguy cơ trả nợ công và khủng hoảng đe dọa hệ thống tín dụng. Theo ông Cường, bài học của chúng ta là thắt chặt và không đầu tư dàn trải. Số dự án đầu tư của chu kỳ này chỉ bằng 50% số dự án chu kỳ trước, tập trung đầu tư các dự án đang hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, thực tế, nghịch cảnh đầu tư công vẫn xảy ra, đó là còn tình trạng đầu tư dàn trải hoặc dự án cần tiền thì không được giải ngân còn dự án không cần đầu tư thì lại được giải ngân.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 3 năm qua có xu hướng chậm dần đều, dù Thủ tướng và các Phó Thủ tướng nhiều lần họp, ra văn bản thúc đẩy nhưng tình hình không cải thiện.
Đại biểu chỉ ra hai vấn đề cần khắc phục sớm. Thứ nhất, chưa có tiêu chí lựa chọn, phân loại dự án đưa vào kế hoạch đầu tư và phân bổ cho đầu tư chưa rõ ràng, mới chỉ dừng ở nguyên tắc xác định lĩnh vực ưu tiên. Do vậy, ông đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng và công bố công khai bộ tiêu chí xếp, đánh giá thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn đầu tư.
“Nếu có được bộ tiêu chí này sẽ không còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư tràn lan, cho dự án không có khả năng giải ngân. Và cũng sẽ không còn tình trạng tranh luận như thời gian vừa qua, đó là nên xây nhà hát hay xây dựng trường học, bệnh viện ở Thủ Thiêm (TP.HCM)”, ông Cường nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ hai làm tiến độ giải vốn đầu tư công chậm là do các quy định về quy trình, thủ tục triển khai một dự án đầu tư công rất phức tạp. Các khâu chuẩn bị triển khai dự án phải xin ban ngành liên quan, lập cơ quan lập dự án, thẩm định, giám sát dự án là các cơ quan độc lập nhưng thực tế, tất cả các cơ quan đó thực chất là một người đứng ra lập, chỉ khác nhau về tên gọi, người đứng tên. Đây là lý do nhiều doanh nghiệp hình thành nhưng sau một thời gian không đi vào hoạt động lại giải thể để xóa đi vết tích.
Theo đại biểu, với quy định như trên chỉ làm mất thêm thời gian, giấy tờ để hợp pháp cho việc làm là đúng quy trình để không ai chịu trách nhiệm khi xảy ra thất thoát, do vậy, cần phải thay đổi quy định này và nêu rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư khi xảy ra lãng phí.
Cần thống kê bao nhiêu dự án đầu tư công hiệu quả, thua lỗ
Tại phiên thảo luận, đánh giá và hiệu quả sử dụng vốn, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhận xét, trong 3 năm qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đều không đạt dự toán và nghị quyết của Quốc hội. Năm 2016 đạt 84%; năm 2017 là 81,7% và năm 2018 dự kiến đạt 88,12. Trong khi đó giải ngân vốn trái phiếu của Chính phủ cũng rất thấp, trung bình chỉ trên 40%. Việc giao kế hoạch chậm và giải ngân chậm gây giảm hiệu quả đầu tư. Ông kiến nghị phân tích nguyên nhân chậm giao kế hoạch, giải ngân chậm, xem xét lại các quy định để sửa đổi cho phù hợp tình hình hiện nay. Cần xem tỉnh nào, địa phương nào sử dụng không hiệu quả, giải pháp xử lý thế nào.
 Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình)
Góp ý thêm về các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, vốn dự phòng, các ĐB cho rằng cần đổi mới phương thức bố trí vốn ODA để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án; cụ thể hóa phương án nguồn kinh phí, chống dàn trải, nợ đọng, xin cho trong bố trí vốn đầu tư công trung hạn; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai vì đây là vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu, ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh và sự phát triển bền vững của đất nước...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhắc lại báo cáo Chính phủ và đề nghị báo cáo cần thống kê vừa qua bao nhiêu dự án đầu tư công hiệu quả, dự án nào thua lỗ... nhằm xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm, tránh thất thoát vốn Nhà nước.
Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ phải rà soát lại quy định pháp luật. Nếu Luật có điểm nào chưa hợp lý làm chậm tiến độ thực hiện dự án thì cần nghiên cứu sửa.