|
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) |
Để làm rõ hơn quyết tâm của Đảng cũng như các giải pháp quan trọng từ thực tiễn, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) về vấn đề này.
Kết quả còn xa mong muốnNgày 17/4/2015, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Hội nghị T.Ư 6 lại đưa ra mục tiêu tiếp tục đổi mới bộ máy chính trị, phải chăng việc thực hiện Nghị quyết 39 chưa đạt yêu cầu, thưa ông?- Đây là 2 vấn đề liên quan đến nhau, nhưng khác nhau. Nghị quyết 39 do Bộ Chính trị Khóa XI ban hành với nội dung là tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề án trình T.Ư lần này thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành T.Ư về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Một Nghị quyết đề cập đội ngũ, con người; một Đề án chủ yếu bàn về tổ chức bộ máy. Tất nhiên, tổ chức bộ máy phải gắn với con người. Thời gian qua, trên phạm vi cả nước và Thủ đô Hà Nội nói riêng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 39 đạt kết quả khá tốt. Theo tôi, kết quả này là tiền đề để Đảng xây dựng Đề án trình Hội nghị T.Ư 6. Khi thành Nghị quyết, chắc chắn Nghị quyết này được triển khai thực hiện cùng Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị sẽ tạo nên sự đồng bộ, tổng thể, giải quyết được căn cốt vấn đề thực tiễn đặt ra.
Có ý kiến cho rằng, nhiều nhiệm kỳ gần đây Đảng đều có chủ trương, nghị quyết, chỉ thị về tinh gọn bộ máy, giảm biên chế nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?- Đúng là như vậy. Ai cũng thấy chủ trương, nghị quyết thì nhiều nhưng kết quả vẫn còn xa mong muốn, thậm chí có ý kiến cho rằng, càng giảm biên chế thì biên chế càng tăng. Theo tôi, nguyên nhân do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền và đoàn thể về chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm biên chế còn chưa đầy đủ, toàn diện. Nhiều người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết tâm chính trị chưa cao dẫn đến việc tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ; còn tình trạng nể nang, né tránh, lợi ích cục bộ. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; chưa có chế tài xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ cùng các chính sách phù hợp để khuyến khích sắp xếp bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế…
Cũng phải thấy, vấn đề này liên quan đến con người, nên rất khó, phức tạp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thấm nhuần, ủng hộ chủ trương này. Đất nước phát triển, dân số tăng, công việc ngày càng nhiều, một số nơi tăng biên chế là tất yếu.
Đề án về tổ chức bộ máy trình Hội nghị T.Ư 6 lần này khi lấy ý kiến ở các địa phương, bộ, ngành, được biết còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc hợp nhất, thiết kế mô hình tổ chức một số cơ quan?- Việc còn nhiều băn khoăn hoặc các ý kiến rất khác nhau về Đề án này là điều dễ hiểu. Một Đề án chứa đựng nhiều vấn đề, quan điểm, cách làm và mô hình mới, lại liên quan đến cả hệ thống chính trị chắc chắn sẽ có nhiều tranh luận, phản biện. Thông qua tranh luận, phản biện, T.Ư đi đến đồng thuận, có tiếng nói chung, tìm ra được mô hình, cách làm phù hợp nhất với thực tiễn.
Tôi tin là tại Hội nghị lần này, T.Ư sẽ bàn sâu, thảo luận kỹ, cân nhắc nhiều mặt, lựa chọn các nội dung, vấn đề để đưa vào Nghị quyết. Cái gì đã chín muồi, có thể làm ngay được, Đảng cần chọn để làm ngay. Cái gì cần nghiên cứu, thí điểm, sơ kết, tổng kết thì chúng ta để lại sau. Đảng cần làm quyết liệt, nhưng chắc chắn, có lộ trình phù hợp. Tôi nghĩ rằng, việc thiết kế tổ chức bộ máy hết sức quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là con người điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong bộ máy đó.
Cơ hội nâng cao thu nhập, giữ chân người tàiGần đây, hiện tượng cán bộ, công chức xin nghỉ việc ở cơ quan để ra ngoài làm kinh tế vì thu nhập không đảm bảo. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này trong khi Đảng đang bàn Đề án về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị?- Đây là vấn đề tôi cũng rất trăn trở. Nhưng ở khía cạnh khác, đó là tín hiệu đáng mừng, vì tư tưởng “bám vào Nhà nước” ăn sâu, bén rễ trong hầu hết người lao động đang có sự thay đổi. Thị trường lao động rộng mở, cơ hội cho tất cả mọi người, trong khi biên chế có hạn, tại sao cứ phải vào cơ quan nhà nước. Nhưng số cán bộ, công chức nghỉ việc trong cơ quan nhà nước thời gian qua, có lẽ có 2 lý do chính: Thu nhập thấp và môi trường làm việc không phù hợp. Thu nhập không đảm bảo được cuộc sống, họ phải đi tìm công việc khác, là điều chúng ta phải tôn trọng. Có nơi, vì môi trường làm việc thiếu năng động, cởi mở, không đoàn kết, không được sử dụng đúng năng lực, sở trường hoặc có nhiều tiêu cực cũng có thể là lý do người lao động phải rời bỏ nơi mình công tác. Nêu lên vấn đề này, để chúng ta mong muốn Hội nghị T.Ư 6 lần này ra được Nghị quyết trong đó vấn đề nâng cao thu nhập và cải thiện môi trường làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức cần được đề cập. Đó là những vấn đề quan trọng để chúng ta giữ chân người thực sự có đức, có tài.
|
Cán bộ UBND quận Hoàn Kiếm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Phạm Hùng |
Từ kinh nghiệm thực tế đã từng làm Bí thư Thành đoàn và Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, theo ông, làm thế nào để có thể thu hút được người tài, đức vào bộ máy công quyền?- Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm để trả lời thấu đáo câu hỏi hóc búa này, nhưng trải nghiệm của hơn 10 năm làm cán bộ lãnh đạo, quản lý ít nhiều giúp tôi có đôi điều chia sẻ. Trước hết chúng ta phải có môi trường làm việc tốt, cho sáng tạo và tài năng nảy nở; bình đẳng và tôn trọng con người, nơi người đứng đầu thực sự gương mẫu. Thu nhập là vấn đề hết sức quan trọng, nếu không đảm bảo cuộc sống sẽ khó giữ chân được người tài, đức. Tâm huyết, hết lòng vì công việc, nhưng câu chuyện về miếng cơm, manh áo hàng ngày không cho phép họ yên tâm gắn bó dài lâu với công việc. Vì vậy, giảm biên chế, tinh gọn bộ máy sẽ là cơ hội để tăng lương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động. Tất nhiên, ta không nên giảm biên chế theo kiểu cào bằng, phân chỉ tiêu, mà phải đánh giá, chỉ giảm nơi thừa và người yếu. Có nơi chúng ta phải bổ sung, tăng thêm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Còn về cách chọn người tài, đức, tôi thấy tiền nhân đã có những cách chọn và dùng người rất hay, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Muốn chọn được người thực sự tài, đức, đòi hỏi người đứng đầu phải rất khách quan, có tiêu chí rõ ràng, chuẩn mực. Phải nhìn con người qua kết quả công việc, qua sự thẳng thắn, trung thực, liêm khiết, qua cách ứng xử của họ với Nhân dân, với đồng nghiệp. Tuyệt đối tránh cán bộ chạy chọt, xu nịnh, cầm ô, xách túi; trước mặt lãnh đạo cấp trên thì thể hiện là người hiểu biết, nhiệt tình, tử tế, gần dân, nhưng thực sự với cấp dưới thì họ nạt nộ, yêu sách, với Nhân dân thì xa rời; vào việc chỉ nói mà không làm, nói hay nhưng làm dở. Phải nhìn thấu suốt đến từng cán bộ bằng thái độ khách quan, công bằng, không bị lợi ích nào chi phối, chắc chắn chúng ta sẽ chọn được cán bộ thực sự tài, đức vào bộ máy công quyền.
Xin trân trọng cảm ơn ông!