Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp tốt hơn. Tuy nhiên có một yếu tố làm cho hàng hóa, dịch vụ (đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị) giảm chất lượng: Đó là việc người tiêu dùng tranh giành, chen lấn khi mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ ảnh hưởng tới người tiêu dùng khác. Có thể kể đến như các hành vi, lời nói, cử chỉ trang phục, sử dụng thiết bị cá nhân, đem theo vật nuôi không phù hợp quy định, không phù hợp với không gian, thời gian, thuần phong mỹ tục, không đảm bảo an toàn quyền lợi của người tiêu dùng khác...
Theo đại biểu, mọi người cần được mua hàng hóa, sản phẩm, sử dụng dịch vụ trong không gian, thời gian phù hợp, được đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo quyền lợi khác. Vì vậy, Luật cần quy định rõ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, trước hết phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh đảm bảo không bị xâm hại, không chỉ từ tổ chức, cá nhân khác mà từ cả người tiêu dùng khác.
Liên quan đến nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn (đoàn tỉnh Thanh Hóa) cho biết, khoản 1, Điều 5 Dự thảo Luật quy định kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vấn đề này Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải thích và cho rằng việc kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận là không bắt buộc đối với mọi trường hợp. Tuy nhiên, nội dung này cần được phân tích làm rõ để đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành kịp thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thực tế.
Theo đại biểu, đối với hàng hóa, sản phẩm có thể kiểm tra được nhưng đối với dịch vụ chỉ khi sử dụng mới biết được chất lượng nên không thể quy định là kiểm tra trước khi nhận đối với các dịch vụ nói chung. Đối với hàng hóa, sản phẩm có thể lựa chọn nguồn gốc xuất xứ theo nhãn mác giấy chứng nhận nhưng đối với dịch vụ không thể không xác định theo tiêu chí nguồn gốc xuất xứ.
Trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trước tiên thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh khi cung cấp sản phẩm dịch vụ. Việc quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng trong trường hợp này không khác gì đẩy trách nhiệm cho chính những người tiêu dùng trong bảo vệ quyền lợi của họ. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bỏ quy định tại Khoản 1, Điều 5.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (đoàn tỉnh Nam Định) đề nghị Ban soạn thảo cần thống nhất cách hiểu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là gì, giải thích thêm quy định này tại Điều 5 để rõ nghĩa vụ cần tuân thủ của người tiêu dùng.
Còn đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho biết, theo Báo cáo của Bộ Công thương tổng kết thi hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng về tiếp nhận và giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng, phương thức trọng tài và tòa án không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc lâu, chi phí cao trong khi giá trị các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thấp. Ngoài ra, có nguyên nhân khác đó là phương thức giải quyết tranh chấp trong luật hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể...
Tuy nhiên, khoản 1, Điều 54 Dự thảo Luật cũng chưa khắc phục được bất cập này. Vì vậy đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi Khoản 1, Điều 54 cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn. Cụ thể, khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể tự giải quyết thông qua các phương thức thượng lượng và hòa giải. Trong trường hợp không tự giải quyết được bằng phương thức thương lượng, hòa giải hoặc không muốn tự chọn giải quyết bằng thương lượng và hòa giải thì lựa chọn một trong hai phương thức giải quyết trọng tài hoặc tòa án.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quyền lựa chọn trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong Dự thảo Luật.