Nội quy hoàn toàn phù hợp
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến cho hay, theo Luật Tiếp công dân và Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ, việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP; trong đó có nội quy “ghi âm, ghi hình phải xin phép và được sự đồng ý của người tiếp công dân” là hoàn toàn phù hợp. Điểm a, khoản 1, Điều 4 Nghị định 64/ 2014/NĐ-CP quy định một trong những trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập là phải ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân. Việc ghi âm, ghi hình đặt trong Luật Tiếp công dân, đó là quan hệ dân sự, theo quy định của Hiến pháp, giữa hai bên phải đảm bảo về bình đẳng mà Hiến pháp đã ghi nhận. Việc sử dụng quyền của mình nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân, cán bộ.Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến, để xem xét nội dung của quy định này có vi hiến hay không, có bảo đảm hay hạn chế quyền con người cần nghiên cứu ở các góc độ. Trước hết, việc tiếp công dân là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, là trách nhiệm của cán bộ tiếp dân. Việc người dân ghi âm, ghi hình không chỉ nằm trong các quy định để giải quyết quan hệ hành chính mà còn liên quan đến quan hệ pháp luật thuộc quy định của Bộ luật Dân sự và Hiến pháp điều chỉnh. Trong cùng một thời điểm, người dân thực hiện quan hệ pháp luật hành chính nhưng đồng thời thực hiện quan hệ pháp luật khác về dân sự nên theo Hiến pháp phải đảm bảo quyền bình đẳng của mọi công dân với nhau, không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, trong đó có cả cán bộ tiếp dân. Do đó, nội quy về việc tiếp công dân do Chủ tịch UBND TP Hà Nội không trái với quy định về việc đảm bảo quyền của công dân.Không ảnh hưởng đến quyền công dânTheo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến, nội quy về việc tiếp công dân do Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành không cấm ghi âm, ghi hình, chỉ là không ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân. Khi công dân có đề nghị, nếu cán bộ tiếp dân thấy được mục đích của việc ghi âm, ghi hình không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ, họ sẽ không từ chối. Pháp luật Việt Nam rất tôn trọng quyền của công dân. Nếu công dân vào trụ sở cơ quan công quyền thông báo công khai, minh bạch việc ghi âm, ghi hình, các cơ quan cũng không có lý do từ chối. Nếu cán bộ tiếp dân không đồng ý mà không có lý do chính đáng, người dân vẫn có quyền thực hiện việc giám sát, vì họ đã có thông báo. Trong trường hợp này, công dân thực hiện quyền giám sát là hoàn toàn đúng, nhưng phải có sự thông báo đến cán bộ tiếp dân. Khi đó, Hiến pháp sẽ được thực thi, pháp luật được tôn trọng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên.“Khi tôi tiếp công dân với cương vị Đại biểu Quốc hội, không phải là người có thẩm quyền giải quyết, tôi cũng giải thích với công dân, việc ghi âm, ghi hình là không cần thiết. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp đề nghị được ghi âm, ghi hình. Trong trường hợp này, tôi cũng thông báo với họ về quy định của Hiến pháp, và việc ghi âm, ghi hình phải bảo đảm, tuân thủ theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền hợp pháp của công dân. Việc ghi âm, ghi hình phải được công khai, thông báo rõ ràng và được ghi nhận thời gian, địa điểm, danh tính của người được ghi âm, ghi hình. Nếu bản ghi âm, ghi hình sử dụng không đúng mục đích, họ phải chịu trách nhiệm” – luật sư Chiến chia sẻ.