Đại biểu Quốc hội phải là tấm gương chấp hành pháp luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận và bỏ phiếu về việc bãi nhiệm tư cách ĐB Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga (đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội).

Ngày 15/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nhận định: Đây là điều hết sức đáng tiếc, bởi khi đã xác định mình là ĐB Quốc hội thì phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, phải là tấm gương trong việc chấp hành pháp luật để cử tri nhìn vào và thấy Quốc hội là cơ quan thực sự có những người xứng đáng với vị trí đó. ĐB là người tham gia ấn nút thông qua các dự án luật mà lại vi phạm pháp luật là điều không thể chấp nhận được.

Ông Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh, ĐB Quốc hội được cử tri bầu ra với uy tín và những trách nhiệm được quy định rất rõ ràng trong luật. Có khi lúc bầu không có vấn đề gì, nhưng trong quá trình hoạt động mà không còn uy tín, đi ngược với quyền hạn và trách nhiệm của chính bản thân mình, không xứng đáng với niềm tin của người dân thì đương nhiên phải bị bãi nhiệm. Nhưng nếu vì trường hợp của một hay hai người mà đánh giá chung thì rất khó. Có thể trong khóa Quốc hội này không phải nhiều ĐB tự ứng cử, tuy nhiên chất lượng của các ĐB tự ứng cử cũng là điều mà chúng ta phải suy nghĩ. Trong những khóa tới có thể sẽ có nhiều người ứng cử hơn, nên cần có một cách nào đó để kiểm soát về vấn đề nhân thân, đạo đức cũng như trình độ chuyên môn của người đó, để chất lượng ĐB tốt hơn, là việc hết sức nên làm.

"Trong suy nghĩ của tôi, mỗi khi mà phải bãi nhiệm một ĐB nào đó hoặc một ĐB nào có sự sai lầm thì trong Quốc hội mình cũng thấy đau lòng. Có điều quy trình đặt ra là như vậy, nhưng việc kiểm soát về đạo đức, trình độ chuyên môn cũng như nhân thân trước đây của mỗi ĐB cần phải quan tâm hơn, để đảm bảo tương đối rằng, ĐB đó thực sự xứng đáng với niềm tin của cử tri" - ông Nguyễn Sỹ Cương nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần