Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Phải “tiếp sức” cho kinh tế tư nhân

Công Thọ - Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

Hoàn thành 12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra là nỗ lực rất đáng trân trọng
Qua thảo luận, nhiều ý kiến ĐB cho rằng, bức tranh kinh tế đã thực sự ngày càng sáng hơn, quy mô phát triển kinh tế ngày càng lớn, chính sách kinh tế vĩ mô ngày càng rõ, các chính sách đầu tư công ngày càng tốt hơn, chính sách an sinh xã hội ngày càng ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các ĐB cũng chỉ ra rằng, kinh tế - xã hội ở nước ta vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là những vấn đề nóng về văn hóa, tội phạm phát sinh trong xã hội.
 Các đại biểu Quốc hội tổ Hà Nội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 và kế hoạch năm 2020
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, các đầu tầu kinh tế thế giới đều sụt giảm chỉ tiêu tăng trưởng thì việc Việt Nam giữ được ổn định, dự kiến năm nay hoàn thành 12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra là nỗ lực rất đáng trân trọng.
Để nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, theo ĐB, cùng với kinh tế nhà nước, phải phát triển kinh tế khu vực tư nhân, tuy nhiên hiện nay kinh tế tư nhân đang gặp khó khăn. “Vừa qua chúng ta thấy kinh tế tư nhân có phát triển nhưng chỉ phát triển ở định hướng ngắn hạn, thiếu đi các DN lớn đầu tư dài hạn, thiếu những tập đoàn như Viettel, Samsung… Muốn vậy, cần phải tiếp sức cho khu vực này”- ĐB phân tích. Đồng thời chỉ ra một trong những rào cản đang cần phải có giải pháp đột phá là vấn đề thể chế. Nhiều DN chưa dám đầu tư dài hạn vì thấy rủi ro về hệ thống luật pháp khi sửa đổi liên tục.
Một thực tế được các ĐB nêu ra trong phiên thảo luận là mặc dù thu ngân sách tăng, nhưng sản xuất, kinh doanh lại có dấu hiệu chậm phát triển. ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cho rằng: Để người dân có niềm tin vững chắc vào sự phát triển kinh tế xã hội, trong báo cáo của Chính phủ nên có minh hoạ rõ nét hơn các kết quả đã đạt được. ĐB phân tích, thu ngân sách năm 2019 đã vượt ước 46.000 tỷ đồng; nhưng tính bền vững, chắc chắn của các khoản thu ngân sách chưa được thể hiện. Trên thực tế nguồn thu chính vẫn từ đất và khoáng sản, trong khi đó thu từ 3 khối DN Nhà nước, DN tư nhân và DN FDI đều sụt giảm.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn TP Hà Nội) cũng cho rằng, cần nhìn vào cơ cấu con số để thấy rõ hơn sự phát triển này. Thực tế, thu ngân sách của các DN không hiệu quả, khối DN tư nhân và Nhà nước đều giảm. “Thu ngân sách chỉ ổn định khi sản xuất kinh doanh phát triển. Chính phủ cần những chính sách thực chất để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; như hiện nay là chưa bền vững” - ĐB nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Quốc Bình cũng đề cập đến tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn DN Nhà nước 3 năm nay còn rất chậm, gây thiệt hại cho ngân sách; trong khi Chính phủ chưa đưa ra giải pháp nào đột phá cho vấn đề này. Vì vậy cần xác định lại, có chính sách mới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa DN Nhà nước.
Đầu tư công “trắc trở”
Đề cập đến các dự án, ĐB Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh đến sự bùng phát các dự án ma với nhiều hệ lụy quan trọng; tồn tại trong nhiều công trình giao thông; môi trường phát triển của các doanh nghiệp trong nước; liên kết vùng trong phát triển kinh tế; gian lận thương mại... từ đó cũng gây ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Một số ý kiến khác cũng lưu ý đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước lại giảm mạnh, thấp nhất trong nhiều năm (chỉ đạt 49,1%), trong đó có nguyên nhân từ việc tổ chức thực hiện các dự án chưa tốt. Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai, cần xem xét lại phương án phân bổ vốn đầu tư công khi dự án quá nhiều (trên 10.000 dự án) nhưng mang tầm quốc gia vẫn ít. 10 năm qua chỉ có 2 công trình: Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc – Nam, còn lại là các dự án nhỏ lẻ.
ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cũng phân tích, nguồn vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng để phát triển hạ tầng nhưng các công trình sử dụng nguồn vốn này lại thực hiện rất chậm. Trong khi đó, các công trình có sử dụng nguồn vốn tư nhân lại phát triển nhanh. Có thể thấy còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt phải gỡ nút thắt trong đầu tư công bằng những phương pháp sáng tạo, đổi mới.