Đại biểu Quốc hội: “Quy định về chứng chỉ, bằng cấp không phù hợp gây lãng phí cho xã hội”

Trần Huyền Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại tổ, các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đánh giá, việc quy định về chứng chỉ, bằng cấp trong đào tạo nhiều khi vô lý, gây lãng phí cho xã hội.

Chiều 24/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Có sự lãng phí về bằng cấp, chứng chỉ

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, công cuộc thực hành tiết kiệm chống lãng phí của chúng ta còn yếu so với những gì mà Nhân dân mong đợi. Cả 2 bản báo cáo của Chính phủ và Quốc hội chưa đi sâu vào bản chất sâu xa của lãng phí, chưa đầy đủ và cụ thể. Việc tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí chưa tốt, hệ thống pháp luật trong xử lý vi phạm phòng, chống lãng phí chưa xứng tầm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí thảo luận tại tổ Hà Nội

“Các thước đo về định lượng, các việc làm gây lãng phí chưa được chỉ rõ. Ví dụ, việc quy định về chứng chỉ, bằng cấp trong đào tạo nhiều khi rất vô lý, gây lãng phí cho xã hội. Việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí cần phải nâng tầm hơn nữa, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân, bởi chủ yếu lãng phí của công, của chung, của xã hội chứ ít khi xảy ra lãng phí của cá nhân” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, sử dụng bằng cấp khi chuẩn hóa trong công việc, đào tạo là cần thiết, nhưng lãng phí ở đây là các chứng chỉ khi bổ nhiệm cán bộ mà các công chức phải học sẵn để đạt yêu cầu.

Nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả, gây lãng phí

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, lãng phí đầu tư công là vấn đề khiến dư luận quan tâm nhưng trong báo cáo chưa đề cập rõ. Những dự án không hoàn thành đúng tiến độ thì lãng phí bao nhiêu, kéo theo các dự án khác thế nào và lãng phí ra sao cần được Chính phủ làm rõ vì người dân rất quan tâm.

Lãng phí trong việc quyết định đầu tư dự án không phù hợp, không đem lại hiệu quả cũng gây lãng phí, còn nhiều dự án chưa thiết thực mà chúng ta vẫn triển khai gây lãng phí. Cùng với đó là việc lãng phí tài sản công, cụ thể là các cơ quan di dời sang trụ sở mới nhưng bỏ hoang trụ sở cũ, gây lãng phí vô cùng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường thảo luận tại tổ Hà Nội

Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, lãng phí trong đầu tư công là vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ. Trong năm qua, nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả, kéo dài. Đây là vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm trong thời gian tới.

“Bên cạnh đó, lãng phí về sức mạnh con người, trí tuệ, niềm tin là lãng phí lớn. Với cơ chế như hiện nay, với mức lương hiện nay, làm sao chúng ta có thể tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao, nên chưa phát huy được sức mạnh con người. Cải cách thể chế rất quan trọng và đột phá về thể chế là cần làm trước tiên” - đại biểu Vũ Tiến Lộc đề xuất.

Một số bộ, cơ quan có trụ sở mới vẫn giữ lại trụ sở cũ

Trước đó, chiều 24/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Báo cáo tóm tắt của Chính phủ trước Quốc hội. Năm 2020, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 187.426 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 62.526 tỷ đồng, 5.536 ha đất...

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, một số bộ, cơ quan T.Ư được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn còn diễn ra. Một số bộ, cơ quan T.Ư được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng nhưng Chính phủ chưa thống kê trong báo cáo, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý. Việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm so với thời hạn được thuê nhưng chưa nêu cụ thể các trường hợp này và giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chưa tổng hợp được các dự án ‘treo’, diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa trên toàn quốc, chưa thống kê các dự án BT, BOT đang vướng mắc, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư chưa phù hợp, gây lãng phí để có giải pháp xử lý.

Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm; việc phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu, chính quyền địa phương trong lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo còn chậm...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần