Chiều 30/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Quy hoạch tích hợp giúp xóa bỏ cơ chế “xin cho”
Thảo luận tại hội trường, ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) nhấn mạnh, lợi ích của Luật Quy hoạch đã cắt giảm hàng trăm quy định pháp luật về quy hoạch; cắt giảm từ hơn 3.543 quy hoạch từ hơn 111 quy hoạch cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia. Điều này không chỉ giảm chi phí cho công tác lập quy hoạch mà còn xóa bỏ những chồng chéo, cản trở do phải tuân thủ quá nhiều các quy hoạch khác nhau.
Việc tích hợp quy hoạch đã tăng cơ chế để tăng hiệu lực điều phối của nhà nước, buộc các ngành phải chia sẻ dữ liệu, hình thành một hệ thống thông tin chung về quy hoạch, nhằm khai thác các nguồn lực một cách thống nhất, công khai, minh bạch, xóa bỏ tình trạng “cát cứ quy hoạch”, tự điều chỉnh theo cơ chế “xin cho”.
Tuy nhiên, ĐB Hoàng Văn Cường đặt vấn đề vì sao quy hoạch chậm? Vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh, và nếu phải điều chỉnh thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm chi phí bồi thường cho nhà đầu tư? Vì sao một số chỉ tiêu quy hoạch của ngành vừa phê duyệt rất công phu; nay các tỉnh lập quy hoạch lại thấy rằng quy hoạch đó không phù hợp?
“Tôi cho rằng, nguyên nhân không phải hoàn toàn do khiếm khuyết của Luật Quy hoạch, mà do chúng ta hiểu chưa đúng cách thức triển khai theo quy hoạch tích hợp nên còn lúng túng, thậm chí còn làm sai bản chất của Luật Quy hoạch theo phương thức tích hợp” – ĐB Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Đồng thời cho rằng, quy hoạch tích hợp không chỉ đơn thuần ghép nội dung của nhiều quy hoạch riêng lẻ thành một bản quy hoạch chung. Các nội dung, chỉ tiêu trong quy hoạch tích hợp phải được liên kết với nhau theo cả chiều dọc và chiều ngang. Muốn vậy, quá trình xây dựng quy hoạch phải đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Cùng đặt các phương án quy hoạch lên trên bàn, cùng trao đổi, thảo luận để đi đến phương án thống nhất.
ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, việc trao đổi thông tin quy hoạch giữa các cấp thực hiện theo chu trình “hai xuống một lên” với 3 bước: Bước một, giao chỉ tiêu định hướng từ trên xuống dựa vào chiến lược phát triển quốc gia để dự thảo các chỉ tiêu quy hoạch quốc gia, sau đó phân bổ chỉ tiêu hướng dẫn các ngành, vùng. Các ngành, các vùng sẽ cân đối nguồn lực của mình để điều chỉnh và giao chỉ tiêu hướng dẫn cho tỉnh.
Bước hai, tổng hợp thông tin báo cáo từ dưới lên. Các tỉnh dựa vào chỉ tiêu hướng dẫn sẽ cân đối nguồn lực để hình thành các chỉ tiêu dự kiến của tỉnh mình, báo cáo lên ngành, vùng. Từ đó ngành, vùng báo cáo tổng hợp lại để báo cáo lên cấp quốc gia.
Bước ba, giao chỉ tiêu quy hoạch. Cấp quốc gia tổng hợp báo cáo chỉ tiêu của vùng, ngành và ấn định thành chỉ tiêu quy hoạch quốc gia. Sau đó phân bổ chỉ tiêu quy hoạch thông báo cho các ngành, vùng. Các vùng, ngành sẽ hình thành nên chỉ tiêu quy hoạch của ngành, vùng sẽ thông báo chỉ tiêu quy hoạch cho các tỉnh. Các tỉnh sẽ ấn định chỉ tiêu quy hoạch của tỉnh mình.
ĐB cho rằng các cơ quan chức năng và các bộ ngành T.Ư đã tạm bỏ nhiệm vụ xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng để “đổ xô” làm quy hoạch tỉnh.
“Tôi e rằng, đến khi quy hoạch tỉnh xây trước đến khi quy hoạch vùng chỉ là phép cộng cơ học các phương án quy hoạch các tỉnh, từ đó quy hoạch quốc gia sẽ là phương án cộng cơ học của quy hoạch vùng. Điều này sẽ làm trái ngược hoàn toàn nguyên tắc của quy hoạch cấp dưới tuân thủ quy hoạch cấp trên” – ĐB Hoàng Văn Cường nói.
Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan T.Ư phải tập trung thực hiện nhiệm vụ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành. Việc này phải làm song song với quy hoạch tỉnh.
Ngoài ra, việc triển khai quy hoạch chậm còn do quy định về được lựa chọn đơn vị tư vấn quy hoạch chưa phù hợp, không huy động được lực lượng đông đảo lực lượng các nhà khoa học tham gia vào quá trình lập quy hoạch. Điều này dẫn đến tình trạng quy hoạch các tỉnh quanh đi quẩn lại chỉ tập trung vào một số đơn vị như báo cáo giám sát đã nêu.
Việc quy định đấu thầu, lựa chọn các đơn vị tư vấn cũng không có tác dụng tiết kiệm kinh phí, mà chỉ làm mất thêm thời gian, loại bỏ hoàn toàn cơ hội tham gia của các đơn vị tư vấn thuộc bộ, ngành, địa phương…
Băn khoăn về những khoảng trống pháp lý
Phát biểu ý kiến tại hội trường, ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Quảng Nam) bày tỏ băn khoăn về chất lượng của các quy hoạch. Theo ĐB Tạ Văn Hạ, chúng ta đang gặp rất nhiều vướng mắc, từ cơ sở pháp lý; nguồn lực, năng lực đội ngũ đơn vị tư vấn; quản lý nhà nước… Đặc biệt là hạn chế về nguồn kinh phí.
“Một lĩnh vực quan trọng như vậy mà kinh phí dành cho đầu tư quá ít thì hiển nhiên chất lượng sẽ không đảm bảo” - Đại biểu Hạ nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành được đề cập đến trong Báo cáo, ĐB tỉnh Quảng Nam cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý.
Đại biểu nhấn mạnh, một nhà nước pháp quyền mà mà không áp dụng quy định của pháp luật đã ban hành thì chúng ta căn cứ vào đâu, cơ sở nào để làm, bên cạnh đó còn rất nhiều nội dung chưa rõ. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải tính toán cho thật kỹ.
Cần tập trung vào những quy hoạch có tính dẫn dắt, then chốt
Còn ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn ĐB Quốc hội TP Cần Thơ) cho rằng, Đoàn giám sát kỳ này chưa có đủ thời gian và cơ sở để đánh giá được chất lượng của các quy hoạch đã được phê duyệt để làm căn cứ đề xuất các giải pháp cụ thể hơn, giúp các quy hoạch chưa được phê duyệt, nâng cao chất lượng kế hoạch trong thời gian tới.
Để đảm bảo chất lượng các kế hoạch, ĐB TP Cần Thơ đề nghị cần có nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện hơn về kinh nghiệm quốc tế đối với việc xây dựng hệ thống quy hoạch, phương pháp lập và triển khai các loại quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch với nhau, đặc biệt là có đánh giá cụ thể về thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm của các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần lựa chọn và tập trung vào một số quy hoạch quan trọng, then chốt nhất đóng vai trò định hướng và dẫn dắt cho các quy hoạch khác. Đại biểu nêu ví dụ như: quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng và quy hoạch một số đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá về cách thức và nguồn kinh phí để lựa chọn được các đơn vị tư vấn đủ tầm, giàu kinh nghiệm, có chất lượng cao, có sự kết hợp tư vấn trong và ngoài nước đặt hàng để tập trung triển khai các kế hoạch then chốt nêu trên.