Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội tranh luận: Có nên giao vai trò chủ trì an ninh biên giới cho Bộ đội biên phòng hay không?

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 21/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại kỳ họp thứ 9 cũng như giải trình và tiếp thu, chỉnh lý về chính sách ưu tiên cấp đất, nhà ở xã hội cho gia đình cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng công tác lâu dài tại khu vực biên giới; quy định về nhiệm vụ, khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng biên phòng phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự khu vực biên giới quốc gia vào dự thảo luật.
 
Cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của Dự án Luật, đại biểu Nguyễn Văn Chương (Đoàn TPHồ Chí Minh) quan tâm về vị trí chức năng của Bộ đội biên phòng. Đại biểu Nguyễn Văn Chương cho rằng, việc chỉ định lực lượng chuyên trách làm nòng cốt là thống nhất với các nghị quyết của Bộ Chính trị, phù hợp với Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh biên giới năm 2004, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Quốc phòng năm 2018 và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh (sửa đổi năm 2019). Do vậy, bộ đội biên phòng giữ vai trò nòng cốt, chủ trì là hoàn toàn đúng đắn.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Chương cũng chỉ ra rằng, ở khu vực biên giới quốc gia có những quy định riêng, an ninh riêng mà căn cứ vào đó Bộ đội biên phòng thực thi nhiệm vụ của mình, những quy định đó có sự khác biệt với an ninh nội địa. An ninh biên giới, trật tự biên giới do Bộ đội biên phòng chịu trách nhiệm giữ vai trò chủ trì là đúng, có nhiệm vụ nào cần phối hợp với lực lượng công an thì chắc chắn rằng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp sao cho việc thực thi pháp luật của 2 lực lượng này không chồng chéo lên nhau. Theo nguyên tắc này thì ở các cấp chính quyền địa phương cũng đều phải có quy chế phối hợp hoạt động.
Trong khi đó đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) quan tâm đến nội dung trách nhiệm và chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức công dân tham gia phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định tại Điều 7.
Đại biểu Tô Văn Tám chỉ ra, ở khoản 3 có đặt vấn đề là cơ quan, tổ chức, công dân khi tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng có thành tích được khen thưởng bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù.
Theo đại biểu Tô Văn Tám: "Chúng ta nên cân nhắc đặt vấn đề đền bù hay bồi thường. Bởi vì 2 khái niệm này khác nhau, nếu bồi thường, tức là bồi thường toàn bộ thiệt hại, còn đền bù là chỉ bù đắp một phần thiệt hại. Khi làm Luật Dự bị động viên đã đặt vấn đề này ra là đền bù hay bồi thường. Dự thảo ban đầu thì nói là đền bù, sau đó thảo luận, đến khi Quốc hội quyết định bồi thường, chứ không phải là đền bù. Như vậy, trong Luật Dự bị động viên là khi huy động phương tiện kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được bồi thường. Phương tiện kỹ thuật huy động ở trong Luật Dự bị động viên cũng là tài sản của công dân. Khoản 2 Điều 23 của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản nói là phương tiện kỹ thuật cũng là tài sản. Do đó, theo đại biểu nên quy định ở Dự án Luật này là bồi thường cho phù hợp, đồng bộ với Luật Dự bị động viên."
 Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn tỉnh Thanh Hóa)
Cũng tại Phiên thảo luận, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) đưa ra quan điểm liên quan đến quy định Bộ đội biên phòng được quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật, tại khoản 3 Điều 14 của Dự án Luật.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn tán thành với quy định này bởi: theo quy định tại Điều 32 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong số 51 tội phạm Bộ đội biên phòng điều tra ban đầu có tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Cũng trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, tại Điều 33 quy định hải quan có thẩm quyền điều tra ban đầu 3 tội phạm, trong đó có tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Như vậy, cả Bộ đội biên phòng và hải quan đều có thẩm quyền điều tra ban đầu 2 tội phạm nêu trên. Bên cạnh đó, đại biểu phân tích, luật hóa thẩm quyền của Bộ đội biên phòng trong việc kiểm tra phương tiện ở cửa khẩu chỉ là phương thức bảo đảm cho cơ quan này thực hiện nhiệm vụ quan trọng là phát hiện, xử lý hành vi vi phạm tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà không vô hiệu hóa thẩm quyền của hải quan.
Mặt khác, đồng thời với việc có lực lượng trinh sát thì việc cho phép Bộ đội biên phòng trong việc kiểm tra phương tiện ở cửa khẩu sẽ là một chính sách hữu hiệu để xử lý hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển vũ khí, ma túy qua biên giới. Xét về mục đích kiểm tra, kiểm soát giữa Bộ đội biên phòng và hải quan là hoàn toàn khác nhau. Hải quan kiểm tra, kiểm soát về hàng hóa, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh xem có đầy đủ giấy tờ xuất, nhập khẩu theo đăng ký hay không. Còn Bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát đảm bảo về an ninh đối với hàng hóa, phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới và cửa khẩu.
Trước một số ý kiến lo ngại việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bộ đội biên phòng chồng chéo với lực lượng công an, hải quan, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn tỉnh Quảng Bình) khẳng định “đây không phải chồng chéo mà là sự đồng hành trong xử lý”.

Tranh luận lại với số đông ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận về việc có nên giao vai trò chủ trì cho Bộ đội biên phòng hay không, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn tỉnh Bình Dương) cho rằng, Luật Quốc phòng không quy định giao cho Quân đội chủ trì an ninh trật tự khu vực biên giới. Mặt khác, Điều 35 Luật Quản lý biên giới, trong 7 quy định không có quy định nào nêu vai trò chủ trì. Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam tại kỳ họp trước cũng không có từ “chủ trì” mà tới kỳ này, sau khi chỉnh lý với thêm vào. Đại biểu đoàn Bình Dương đề nghị khi đưa vào một chính sách, quy định rất mới là “vai trò chủ trì” thì Quốc hội cần có đánh giá tác động.

 Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đoàn TP Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận. 

Về vị trí, chức năng, quyền hạn của lực lượng Bộ đội biên phòng nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều đại biểu, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đoàn TP Đà Nẵng) đồng tình với việc quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ đội biên phòng như dự thảo luật là phù hợp, cần thiết. Đại biểu Võ Thị Như Hoa cũng đề nghị bổ sung thêm một hình thức hợp tác là “Phối hợp, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về biên phòng”.

Đại biểu khẳng định: “Đây là hình thức hợp tác ngày càng phổ biển giữa các nước, vừa nâng cao hiệu quả công tác biên phòng, vừa xây dựng lòng tin, mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, tình trạng tội phạm xuyên quốc gia ngày càng phổ biến và cần sự tăng cường hợp tác giữa các quốc gia”.

Bên cạnh đó, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn tỉnh Điện Biên) đề nghị bổ sung quy định “cấm xúc phạm danh dự nhân phẩm lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng”, để thực tế nếu xảy ra hành vi này sẽ có thể xử lý theo luật định.

 Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn tỉnh Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận. 
Thay mặt cơ quan trình Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch giải trình, làm rõ một số nội dung. Đối với vấn đề thứ nhất, về việc Bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật tại khoản 2 Điều 12 Dự án Luật, Bộ trưởng cho biết, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu là một thể thống nhất, bao gồm biên giới trên đất liền, trên biển, trên không trong lòng đất, gắn chặt giữa quốc phòng và an ninh, bảo đảm tính liên hoàn, khép kín, gắn liền giữa an ninh đối ngoại và tác chiến phòng thủ.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng chỉ rõ, quy định như Dự án Luật là xuất phát từ cơ sở lý luận thực tiễn sau: Thứ nhất, Nghị quyết số 11 ngày 08/8/1995 về xây dựng Bộ đội biên phòng trong tình hình mới, Nghị quyết số 33 ngày 29/8/2018 về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và các văn bản pháp luật hiện hành như Luật Biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, các nghị định, hiệp định, quy chế về quản lý, bảo vệ biên giới cửa khẩu đều xác định rõ chức năng chủ trì cuả Bộ Quốc phòng. Cụ thể tại Điều 5 Pháp lệnh Bộ đội biên phòng quy định: "Bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu".

 Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình một số nội dung

Tại khoản 2 Điều 35 Luật Quốc phòng quy định: "Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật". Tại khoản 5 Điều 16 Luật Công an nhân dân quy định: "Lực lượng Công an nhân dân phối hợp với Bộ đội biên phòng, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật". Như vậy, đây không phải là vấn đề mới mà chỉ là thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kế thừa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.

Mặt khác, Bộ trưởng cho biết, theo Dự án Luật, Bộ đội biên phòng chỉ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự trong phạm vi khu vực biên giới cửa khẩu theo quy định tại Điều 13 và Điều 14, hoàn toàn không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác

Thứ hai, trải qua hơn 61 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Bộ đội biên phòng luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng ở khu vực biên giới, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Bộ đội biên phòng đã chủ trì phối hợp với các lực lượng bắt giữ, xử lý 1.873 vụ/ 3.025 đối tượng tội phạm về ma túy, thu giữ hơn 6,1 tấn ma túy các loại. Trong ngăn chặn phòng chống COVID vừa qua, lực lượng Bộ đội biên phòng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý, đưa đi cách ly theo quy định 20.368 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép. Hiện nay, Bộ đội biên phòng đang duy trì 1.608 tổ chốt, với hơn 7.000 cán bộ chiến sĩ, với chiều dài hơn 5.000 km biên giới đất liền ngày đêm đang làm nhiệm vụ, đang chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, kiên quyết hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và Nhân dân giao phó.

Thư ba, quá trình xây dựng Dự án Luật, Bộ Quốc phòng đã tổ chức xin ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân 44 tỉnh thành có có biên giới, đã tổ chức khảo sát, hội thảo, xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học. Hầu hết các ý kiến đều đồng thuận, nhất trí cao với quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng trong dự thảo luật. Tháng 2/2020, Chính phủ có tờ trình báo cáo Quốc hội và tại Phiên họp thứ 47 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Sau kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Ban soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Đến nay, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với nội dung dự thảo.

Đối với vấn đề thứ hai, về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong Dự án Luật. Bộ trưởn Bộ Quốc phòng chỉ ra rằng: Trong Dự án Luật quy định những chính sách lớn của Nhà nước về thực thi nhiệm vụ biên phòng với các quan điểm, nội dung toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với sự tham gia của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Vì vậy, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức.

Bên cạnh đó, về nhiệm vụ của Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành, nên dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam chỉ quy định mang tính nguyên tắc. Trên cơ sở đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chủ trì, tham gia, phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Hơn nữa, thực tiễn trong những năm qua, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các tỉnh, thành có biên giới đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, lực lượng phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, đối ngoại, giao lưu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, xây dựng, củng cố nền biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân vững chắc, kết hợp chặt chẽ kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, đối ngoại với kinh tế - xã hội, tăng cường nguồn lực xây dựng các công trình phòng thủ biên giới, hệ thống đồn, trạm biên phòng, tạo điều kiện cho Bộ đội biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nêu rõ, ngoài những nội dung báo cáo làm rõ trên, Bộ Quốc phòng xin tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận nội dung thảo luận.
Kết luận một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, về cơ bản các nội dung của Dự án Luật được rà soát, bảo đảm đồng bộ, thống nhất nhiều nội dung đã được chỉnh sửa theo góp ý của đại biểu Quốc hội. Các quy định đã bám sát chủ trương, chính sách lớn, tạo cơ sở nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng lực lượng Bộ đội biên phòng ngày càng lớn mạnh, phù hợp với tình hình mới; các nội dung cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp theo quy trình.