Đại biểu Quốc hội ủng hộ quy định không có kiểm sát viên suốt đời
Kinhtedothi - Tham gia thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND), các đại biểu dành nhiều thời gian góp ý về các quy định liên quan đến số lượng kiểm sát viên, nâng ngạch kiểm sát viên, nhiệm kỳ của kiểm sát viên...
Chiều 19/5, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND).
Bỏ thi tuyển kiểm sát viên là cần thiết
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với quy định tại khoản 19 điều 1 dự thảo Luật quy định tiếp tục giữ theo ngạch là 4 ngạch kiểm sát viên. Ngoài ra, sửa đổi tên gọi của ngạch kiểm sát viên trung cấp, ngành kiểm sát viên thành kiểm sát viên chính và ngạch kiểm sát viên sơ cấp thành ngành kiểm sát viên.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) - Ảnh: Quochoi.vn
Về thi tuyển chọn kiểm sát viên, đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với quy định bỏ thi ngạch kiểm sát viên như luật hiện hành, chỉ quy định việc bổ nhiệm kiểm sát viên lần đầu là phải qua kỳ thi tuyển.
Tuy nhiên, trong thành lập hội đồng thi tuyển hoặc hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên thì lại không có đại diện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia vào hội đồng này, đại biểu đề nghị giải trình cụ thể, bởi sắp tới quyền hạn, nhiệm vụ về công tác giám sát, phản biện, tham gia thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận và các thành viên cũng rất lớn.
Đối với quy định về nhiệm kỳ của kiểm sát viên, theo quy định nhiệm kỳ kiểm sát viên nhân dân tối cao được tính từ khi bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác; các kiểm sát viên khác được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 5 năm, nếu được bổ nhiệm lại thì có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.
"Quy định này tôi cũng rất đồng tình như liên hệ về việc chúng ta chỉ xét tuyển không thi tuyển kiểm sát viên hết sức cần thiết vì trong thời gian qua, việc thi tuyển kiểm sát viên rất tốn kém và mất công... nên bỏ chuyện thi tuyển là hết sức cần thiết ", đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.
Liên quan tới diện bổ nhiệm, nhiệm kỳ của kiểm sát viên lần đầu, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đồng tình và cho rằng, kiểm sát viên không phải là kiểm sát viên suốt đời vì trong quá trình tổ chức thực hiện có thể xem xét, cân nhắc, bổ nhiệm, đề bạt và nếu vi phạm pháp luật thì Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao sẽ thực hiện quyền không bổ nhiệm lại kiểm sát viên. Cũng như công chức, viên chức sẽ không phải là công chức suốt đời thì kiểm sát viên cũng vậy.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: Quochoi.vn
Đề xuất giữ cơ chế nâng ngạch kiểm sát viên
Về vấn đề thi tuyển nâng ngạch kiểm sát viên tại các khoản 20-23 điểu 1, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo xem xét giữ cơ chế thi nâng ngạch như hiện nay để tạo động lực phấn đấu và đánh giá đúng thực chất, năng lực của đội ngũ cán bộ Viện kiểm sát.
Đồng thời, cần quy định rõ thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc ban hành quy định nâng ngạch như đối với kiểm sát viên nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát và kiểm soát quyền lực tư pháp một cách hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, quy định về việc thi tuyển chọn kiểm sát viên lần đầu và xét nâng ngạch kiểm sát viên các ngạch là cần thiết để đảm bảo phù hợp với xu hướng đổi mới ngạch công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và thống nhất, đồng bộ với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân chỉ khi bổ nhiệm lần đầu. Sau đó xét nâng ngạch theo những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể làm giảm áp lực đối với cán bộ kiểm sát viên trong các ngạch, trong các kỳ thi để tập trung vào các công việc chuyên môn, nghiệp vụ.
Đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) - Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội cũng góp ý về các ngạch kiểm sát viên quy định tại điều 76 và tán thành quy định giữ nguyên 4 ngạch kiểm sát viên như quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành để đảm bảo tính tương đồng và đồng bộ với các luật trong lĩnh vực tư pháp và các luật khác.
Đối với quy định tăng số lượng kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ 19 lên 27 người, các đại biểu cho rằng như vậy là hoàn toàn phù hợp. Bởi vì, theo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao sẽ chấm dứt hoạt động. Do đó, toàn bộ khối lượng công việc sẽ được chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao thực hiện.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, số lượng kiểm sát viên tối cao, trong khi chủ trương chung là tinh giản biên chế, tinh giản bộ mày thì cơ quan soạn thảo lại đề xuất tăng. Tuy vậy, "có lúc, có chỗ phải tăng", với số lượng kiểm sát viên tối cao phải tăng kiểm sát viên cao cấp không thể ngồi Hội đồng thẩm phán được.
Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu - Ảnh: Quochoi.vn
Liên quan đến ý kiến đại biểu về chuyển đổi ngạch kiểm sát viên, thời hạn bổ nhiệm, bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết: chúng ta đang xây dựng một nền hành chính, xây dựng Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Viện kiểm sát thì lần đầu cần phải thi. Còn sau nhiệm kỳ đương nhiên phải theo quy định chung của Luật Cán bộ, công chức và thực hiện việc bãi nhiệm nếu có vi phạm.
"Tôi rất đồng tình với các đại biểu nêu là bổ nhiệm không thể nói suốt đời được mà phải xem xét theo thực hiện chức trách, nhiệm vụ", ông Nguyễn Huy Tiến nói.

Quốc hội thông qua các chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng, thi hành pháp luật
Kinhtedothi- Sáng 17/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đây được đánh giá là một bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật.

Tuần này, Quốc hội sẽ xem xét chính sách miễn học phí với trẻ mầm non và học sinh phổ thông
Kinhtedothi - Hôm nay, 19/5, Quốc hội tiếp tục tuần làm việc thứ 3. Theo đó, từ ngày 19/5 - 24/5, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi...

Đại biểu Quốc hội: đề nghị cần cân nhắc kỹ việc thành lập Tòa Phá sản ở cấp khu vực
Kinhtedothi - Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (TAND), đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng về việc thành lập Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ ở cấp khu vực vì thực tiễn số lượng các vụ án trong 2 lĩnh vực này không lớn.