Đại biểu Quốc hội yêu cầu sớm trở lại thực hiện nghiêm Nghị định 100

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng 8 giờ sáng nay (13/6), Quốc hội dành trọn một ngày, thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Ngay đầu giờ sáng đã có 90 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thảo luận. Các đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An); Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn); Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk); Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh); Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang); Bùi Thu Hằng (Hòa Bình); Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội); Hoàng Văn Liên (Long An); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh);... bày tỏ đồng tình với báo cáo KT-XH của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu khai mạc.
Các đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị định 100, xử lý nghiêm hành vi uống rượu bia tham gia giao thông; bảo vệ an ninh trật tự; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh nguồn nước; kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác "chống dịch như chống giặc"; điều chỉnh lại chỉ tiêu phát triển do tác động của dịch bệnh; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh; khôi phục thị trường du lịch; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tái đàn lợn, phòng chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi; làm tốt công tác bảo vệ phát triển rừng; đầu tư phát triển kinh tế văn - xã; xây dựng thương hiệu quốc gia đặc sắc, riêng có của Việt Nam; quản lý thu chi ngân sách nhà nước hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau và không để tỉnh nào bị bỏ lại phía sau; đồng thời làm tốt công tác dự báo trước những tác động khó lường về chính trị, an ninh phi truyền thống để có chính sách ứng phó hiệu quả...
Mở đầu Phiên họp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) bày tỏ đồng tình với Báo cáo đánh giá bổ sung về tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian cách ly xã hội.
Về việc tiếp tục thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nêu vấn đề: Luật và Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2020 đã đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý, xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe, thu được hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đây chính là quyết tâm, nỗ lực và sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Từ đó, tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đi vào thực tiễn và có tác động sâu sắc đến ý thức của người tham gia giao thông, được dư luận đồng thuận, nghiêm túc thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Mặc dù công cuộc cách mạng để giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia, các quán ăn, nhà hàng dịch vụ ban đầu chưa có giải pháp thích ứng đã bị ảnh hưởng không nhỏ, giảm lượng khách, giảm thu nhập nhưng hiệu quả mang lại đã, đang và sẽ không nhỏ với tình hình an toàn giao thông, an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhận thấy, hiện nay sau thực hiện giãn cách xã hội, tâm lý người dân còn chủ quan với các quy định về an toàn giao thông, khách đến nhà hàng ăn uống tăng đột biến và lượng rượu, bia bán ra nhiều hơn khi mới áp dụng Nghị định 100.

“Chúng ta dễ dàng nhìn thấy ở các quán bia vỉa hè, nhà hàng khách ăn uống rượu, bia sau đó lái ô tô, người lái xe máy vẫn lái xe máy, đây là một sự chủ quan nguy hiểm”. Chỉ ra điều này, đồng thời chia sẻ với người dân sau thời gian giãn cách dài, chia sẻ với nhà hàng, quán ăn bị thiệt hại vì dịch bệnh, nhưng “đã đến lúc chúng ta sớm trở lại ngăn chặn” - đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói.

Tiếp đó, các đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn), Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk), Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh)… phát biểu đều bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác phòng, chống đại dịch; đề nghị kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác “chống dịch như chống giặc”.

Các đại biểu đề nghị cần phát huy mạnh hơn vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tái đàn lợn, tiếp tục phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần