Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Phải quy trách nhiệm người ra quyết định đầu tư sai

Trần Hà (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Nguồn đầu tư từ ngân sách chỉ nên ưu tiên cho các dự án trọng điểm quốc gia, liên quan đến an ninh, quốc phòng nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự, đồng thời phải đảm bảo an ninh xã hội, không được để dân nghèo đói và bảo vệ được môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Dự kiến tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng. Vậy theo ông, việc sử dụng vốn, quản lý nợ công và kế hoạch tài chính công như thế nào cho hiệu quả?
- Từ 2011-2015 chúng ta đã đầu tư công trên 1,2 triệu tỷ đồng và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải, đầu tư thiếu hiệu quả vẫn xảy ra. Trong giai đoạn 2016-2020, trong 2 triệu tỷ đồng nguồn vốn, có 880 ngàn tỷ đồng là ngân sách địa phương (do HĐND các tỉnh, thành quyết định), còn ngân sách T.Ư là 1,120 triệu tỷ đồng. Vấn đề là phân bổ nguồn vốn 1,120 triệu tỷ đồng thế nào theo mục tiêu gì, tiêu chí gì là vấn đề đặt ra. Vì các ĐB tại các địa phương cho thấy nhu cầu của các địa phương rất cần thiết. Nhưng chúng ta cần thống nhất với nhau về mặt quan điểm, mục tiêu, tiêu chí. Mục tiêu của đầu tư công phải hướng đến phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng đến an toàn nợ công. Điều quan trọng nữa là phải đảm bảo sự hài hòa với các kế hoạch khác như kế hoạch tài chính, kế hoạch huy động vốn, và phải đáp ứng được mục tiêu của quá trình tái cơ cấu kinh tế. Dĩ nhiên chúng ta thấy nhu cầu là rất lớn, ai cũng nói là cần thiết thì nên chỉ ưu tiên cho các dự án cấp bách và đạt được những quan điểm ở trên. Có như vậy mới đảm bảo an toàn nợ công.
Trong khi ngân sách hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực khác cũng được đặt ra, nhưng theo ông, cần có điều kiện gì giữ kỷ luật tài chính ngân sách?.

- Những năm qua, Chính phủ mỗi năm phải huy động khoảng 300.000 tỉ đồng, trong đó trái phiếu huy động khoảng 180 ngàn tỷ đồng. Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm Chính phủ phải huy động 400.000 tỉ đồng, trong đó phát hành trái phiếu trong nước là 280.000 tỉ đồng, còn nguồn vốn ODA, nguồn vốn ưu đãi sẽ phải huy động khoảng 220.000 tỉ đồng. Tất cả những cái này sẽ đè nặng lên thị trường vốn, đè nặng lên các DN đang cần vốn với lãi suất thấp. Mà nhu cầu vốn tăng như vậy thì lãi suất rất khó giảm. Như vậy chúng ta phải kiên quyết thực hiện kỷ luật thép đối với ngân sách hiện nay, phải triển khai được tinh thần của Luật đầu tư công. Trong đó quy trách nhiệm, quyền hạn, kể cả xử lý hình sự nếu quyết định đầu tư sai. Luật cũng quy định, trong triển khai kế hoạch đầu tư công 5 năm thì cuối mỗi năm sẽ có báo cáo Quốc hội. Trong trường hợp kế hoạch không đáp ứng được điều kiện, như không hỗ trợ được tăng trưởng, tình hình ngân sách căng thẳng thì Quốc hội sẽ xem xét và được quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt. Hiện nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang tăng tỷ lệ, nhưng cần chọn lọc, ưu tiên những nguồn vốn, dự án thúc đẩy và đổi mới tăng trưởng, áp dụng công nghệ cao, hướng đến nông nghiệp sạch. Đặc biệt, để đảm bảo môi trường, cần xem xét lý lịch pháp nhân những công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.