Bộ trưởng tài chính Đức đã mô tả "một ngày tuyệt vời cho tình đoàn kết châu Âu" khi nói về gói cứu trợ trị giá 590 tỷ euro được thống nhất hồi tuần trước, đến sau một cuộc giằng co của Bắc - Nam khu vực về chi phí khắc phục thiệt hại kinh tế vì Covid-19.
Gói kích thích của Liên minh châu Âu (EU) sẽ cho phép các quốc gia thành viên vay từ quỹ cứu trợ của Khu vực đồng euro (eurozone) và Cơ chế ổn định châu Âu (ESM), để chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe mà không bị ràng buộc bởi chính sách.
Việc EU tập trung vào tiền là dễ hiểu, khi nguy cơ suy thoái kinh tế được dự báo sẽ sâu hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, điều này được cho đang che khuất một thất bại to lớn của khối, có thể khiến cả chi phí nhân lực và tài chính của đại dịch trở nên tồi tệ hơn: Sự phối hợp trong chính sách chăm sóc sức khỏe.
Mặc dù có một thị trường chung, một biên giới bên ngoài mở cửa gần như hoàn toàn cho nhau, cũng như thách thức chăm sóc sức khỏe chung trong hình dạng dân số già, 27 quốc gia thành viên của EU lại tỏ ra phân tán lạ thường trong cuộc chiến với Covid-19.
Khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, Italia, quốc gia đầu tiên trở nên tồi tệ ở châu Âu, đã liên tục kêu gọi các đồng minh khối về mặt nạ và thiết bị y tế - chứ không phải tiền. Đáp lại, các quốc gia Pháp, Đức, Tây Ban Nha... đồng loạt đóng cửa biên giới, tích trữ vật tư y tế với lý do đảm bảo tiêu dùng trong nước. Thay vào đó, Trung Quốc, Nga mới là các quốc gia đầu tiên viện trợ những thứ người Italia cần lúc bấy giờ.
Vì cơ chế mở, tạo liên quan chặt chẽ với nhau nên trong các tình huống khẩn cấp ảnh hưởng đến bất cứ quốc gia thành viên nào, Ủy ban Châu Âu - cơ quan điều hành của EU - sẽ phải đề ra đường lối chung. Tuy nhiên, chính sách chăm sóc sức khỏe, được quản lý bởi các chính phủ quốc gia, chưa bao giờ được trao cho Brussels. Điều này sẽ chi phối cách quản lý bệnh viện, nguồn cung cấp thuốc...
Và kết quả của sự "chung mà riêng" này trong mùa Covid-19 phần nào thể hiện qua sự chênh lệch lớn trong số ca tử vong của các quốc gia thành viên. Các quốc gia phản ứng sớm với sự bùng phát - như Áo, Đan Mạch, Hy Lạp - đang làm tốt hơn những quốc gia phản ứng muộn - như Italia hay Tây Ban Nha. Một quốc gia với quyền lực phi tập trung như Đức, với năng lực chuyên sâu của một ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, dường như đang đối phó với Covid-19 tốt hơn cơ chế tập trung nhưng hạn chế về đầu tư của Pháp - hiện phải đưa các bệnh nhân, bằng tàu cao tốc, đến các khu vực ít thiệt hại hơn để giảm bớt gánh nặng.
Vượt qua sự khác biệt chính trị giữa các khu vực hay mức chi tiêu cho y tế theo % GDP, có những yếu tố phức tạp hơn để tạo nên "sức đề kháng" cho một quốc gia khi đối mặt với Covid-19. Ví dụ, mật độ dân số được xem là một yếu tố, và đó là điều mỗi quốc gia phải tự mình quản lý.
Tuy nhiên EU, hay bất cứ liên minh khu vực nào, cũng được cho có thể hẹn chế sự chênh lệch trong khối, thông qua việc chia sẻ thông tin, phối hợp giám sát dịch bệnh giữa các quốc gia, để có những phản ứng nhanh chóng. Chẳng hạn, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến nay được đánh giá đã làm tương đối tốt vấn đề này.
Hiểu nôm na, một nguồn cung y tế chung được phân bổ tốt sẽ hơn các nguồn lực đơn lẻ hiện có về những thứ như kit thử nghiệm, khẩu trang và máy thở, trong khi sức mua phối kết hợp có thể đã mua được nhiều với giá rẻ hơn.
Xa hơn, EU có khả năng hơn ai hết để trở thành một "chiến binh" trong cuộc đua toàn cầu tìm kiếm vaccine ngừa Covid-19, vì liên minh có thể tập trung ngân sách quốc gia để tài trợ cho ít nhất 30 tỷ USD chi phí nghiên cứu và sản xuất được dự kiến.
Tuy nhiên, quyết tâm của khối dường như vẫn "bất động", khiến quan chức khoa học hàng đầu EU, Mauro Ferrari phải giận dữ từ chức. Vị chuyên gia, nay đã là cựu Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu châu Âu (ERC), nói rằng ông thất vọng trước phản ứng với Covid-19 của ERC, nơi mà một quỹ đầu tư hơn 2 tỷ USD vốn được cho sẽ chi vào các dự án của chuyên gia đề xuất, thay vì chri thị chính trị.
Không phải tất cả các hình thức kiểm soát từ trên xuống đều có ý nghĩa trong cuộc khủng hoảng này, và không nhất thiết phải để các cơ quan y tế khu vực dẫn đầu phản ứng ở một số quốc gia hơn cả chính phủ quốc gia đó. Nhưng theo Joan Costa Font, chuyên gia từ Trường Kinh tế London, sự phối hợp tập thể của các nước rõ ràng có lợi khi đối mặt với một đại dịch không biên giới, đặc biệt là ở EU - nơi một nền kinh tế hội nhập cao, đồng nghĩa với việc mọi quốc gia phải quan tâm đến sức khỏe của hàng xóm.
"Nếu việc tập trung vào tiền không dẫn đến việc chia sẻ gánh nặng nhiều hơn trong thông tin và tài nguyên y tế, các quốc gia châu Âu sẽ còn phải đóng cửa kinh tế lâu dài", Joan nói.