Đặc biệt, lao động nữ mang thai cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Còn chủ sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người nghỉ việc theo chế độ thai sản.
Đó là giải pháp được đại diện dự án Investing in Women (Đại sức quán Australia) Jane Hodges cho là hợp lý.
Cần ưu tiên phụ nữ
Trước tiên, xin bà chia sẻ cảm nhận trải nghiệm về Ngày phụ nữ Việt Nam?
- Việc Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày Phụ nữ là một điều tuyệt vời, chắc chắn các bạn có thể truyền tải một thông điệp vang dội về tầm quan trọng và giá trị của phụ nữ trong xã hội Việt Nam ngày nay! Chúng tôi đặc biệt thích được nghe đàn ông nói về bình đẳng giới.
Chúng ta cần tiếp tục tôn vinh phụ nữ Việt Nam trong những ngày này, hay chúng ta nên bắt đầu bằng những chính sách cụ thể từ hành lang pháp lý về lao động. Ngoài ra, cần trung thực về những thách thức phía trước và những nỗ lực hết mình cho các giải pháp cụ thể, bền vững. Xét cho cùng, không một quốc gia nào trên thế giới đã đạt được bình đẳng giới tại nơi làm việc! Nhưng làm được cả hai điều trên, chúng ta có thể làm nổi bật giá trị của cả nam và nữ trong tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.
Bà đánh giá như thế nào về nhóm nghiên cứu Economica đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới để tham vấn Chính phủ Việt Nam xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi?
- Chắc chắn rồi. Không chỉ hợp lý mà còn cần thiết trong thực tế. Và một số công ty có tư duy tiến bộ đã sẵn sàng để triển khai những lợi ích như vậy. Tôi nhấn mạnh, điều này không còn hiếm trên thế giới này nữa, cụ thể như các nền kinh tế Bắc Âu và nhiều nước ASEAN đã thực hiện việc cho phép lao động nam nghỉ phép để chăm con nhỏ.
Việc đề xuất là khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ một phần kinh phí gửi trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động. Đề xuất này là một trong nhiều ví dụ mà báo cáo đánh giá tác động chính sách xem xét, sử dụng một loạt các so sánh từ các nước có cùng mức độ kinh tế như Việt Nam và lắng nghe ý kiến phản hồi từ lao động nữ, lao động nam và các công ty trên khắp Việt Nam. Đề xuất này có thể không giải quyết được tất cả các vấn đề ở nơi làm việc, nhưng sẽ tạo ra sự cân bằng giữa công việc và gia đình, điều này đã được chứng minh có tác dụng ở nơi khác.
Chúng ta cần nhận định rõ ràng, không công ty nào bị phá sản vì đưa ra một số cơ sở chăm sóc trẻ em và được nhận trợ cấp của Nhà nước để làm việc này. Chìa khóa trong đề xuất báo cáo tác động chính sách là để đảm bảo rằng gánh nặng chi phí không rơi vào vai người sử dụng lao động, và rằng Nhà nước có vai trò ở đây - đáp ứng các yêu cầu trong các hiệp ước của Tổ chức Lao động quốc tế ILO - rằng cần đảm bảo không có rào cản tham gia lao động đối với cả phụ nữ và nam giới. Tôi muốn nhấn mạnh, giải pháp đáng chú ý là cho phép nam giới được nghỉ chăm sóc con dưới 6 tháng tuổi và hưởng bảo hiểm xã hội.
Cần quy định riêng
Cụ thể như thế nào thưa bà, có ảnh hưởng gì đến DN không?
- Tôi cho rằng, những quy định nhằm bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới của Bộ luật Lao động đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế. Nhiều DN đã xác định việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định trên không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người lao động, mà còn giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của DN thông qua việc ổn định và phát triển nguồn nhân lực của DN.
Bộ luật Lao động có phạm vi và đối tượng điều chỉnh rộng. Những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung lần này có tác động lớn về kinh tế, xã hội không chỉ với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, mà còn đối với việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc và cuộc sống của hàng chục triệu lao động cũng như thành viên gia đình họ. Việc đánh giá tác động về giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới nhằm bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong dự án luật này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Bình đẳng, không phân biệt đối xử, trong đó có bình đẳng, không phân biệt đối xử dựa trên yếu tố giới - là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây cũng là nguyên tắc xuyên suốt của Bộ luật Lao động năm 2012. Những quy định nhằm bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới của Bộ luật Lao động đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế.
Tạo được môi trường thuận lợi cho phụ nữ tại nơi làm việc là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Song cần nghiên cứu thay đổi cách tiếp cận, từ cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới” đối với cả lao động nam và lao động nữ. Một số quy định riêng đối với lao động nữ cần quy định như: Quy định về các biện pháp nhằm bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế (là biện pháp đặc biệt tạm thời) và quy định bảo vệ thai sản đối với cả lao động nam và lao động nữ…
Theo bà, nếu những giải pháp đề xuất tại báo cáo này được tiếp thu trọn vẹn trong Bộ Luật Lao động sửa đổi thì bình đẳng giới ở Việt Nam có ngang bằng với các nước phát triển khác không?
- Việc thực hiện sẽ là thử nghiệm, nhưng nếu những thay đổi này được đưa vào Bộ luật sửa đổi đạt tiêu chuẩn vàng cho khu vực, Việt Nam sẽ được công nhận là quốc gia tiên phong về bình đẳng giới tại nơi làm việc. Các bạn sẽ nhận được sự ghen tị của các nền kinh tế khác và những lợi ích trực tiếp có thể được nhìn thấy ngay sau khi các hiệp định thương mại tự do với những kỳ vọng về bình đẳng giới nơi làm việc có hiệu lực.
Xin cảm ơn bà về những chia sẻ thú vị về việc bình đẳng giới!
"DN tích cực hỗ trợ người lao động có con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo thông qua việc Nhà nước giảm thuế theo các chi phí mà DN đã chi cho việc này, bảo đảm quyền lợi của DN khi thực hiện các chính sách, đồng thời cũng thể hiện cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và DN trong việc hỗ trợ lao động chăm sóc con nhỏ, giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó với DN… DN được giảm thuế thu nhập trên số chi phí giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động." - Đại diện dự án Investing in Women của ĐSQ Australia Jane Hodges "Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để chúng ta xem xét sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là thay đổi cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” của các quy định hiện hành sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới” - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà. |