70 năm giải phóng Thủ đô

Đại gia Hà Nội chơi biệt thự sang hơn đại gia Sài Gòn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chịu chơi và sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD để sở hữu những căn biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng, các đại gia Hà Nội có phần “bạo tay” hơn trong việc mua nhà đất so với các đại gia TP.HCM.

Người Hà Nội thích những biệt thực siêu đắt

Có thể người Việt Nam sở hữu những căn biệt thự cao cấp đầu tiên với trị giá lên đến hàng trăm nghìn USD là các đại gia TP.HCM. Tuy nhiên, các đại gia Hà Nội cũng tỏ ra không thua kém gì khi sở hữu những biệt thự siêu đắt, có giá lên đến hàng triệu USD.

Khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường biệt thự nghỉ dưỡng đang thực sự bùng nổ khi các dự án nối tiếp nhau ra đời vì các nhà phát triển bất động sản muốn chớp cơ hội kinh doanh trong lúc nhu cầu nghỉ dưỡng và đầu tư của người Việt tăng một cách đáng ngạc nhiên.

Những khu biệt thự được đánh giá là có mức giá cao ngất ngưởng phải kể đến là dự án Galaticos Living ở Đà Lạt, với mức giá bán khoảng 3 triệu USD/căn (khoảng hơn 60 tỷ đồng). Hay 2 dự án Hyatt Regency​ và Ocean Villas ở ven bãi biển Đà Nẵng, có căn có giá bán trên dưới 2 triệu USD/căn, tương đương gần 50 tỷ đồng.

Điều đáng nói, tại thời điểm cách đây 3 năm, khi thị trường biệt thự nghỉ dưỡng vẫn còn khá xa lạ với khách hàng, thì việc chấp nhận một mức giá “siêu đắt” như vậy là rất khó. Nhưng dù mức giá đó có khiến nhiều người choáng ngợp, thì một bộ phận nhỏ người mua vẫn sẵn sàng móc hầu bao.

Điển hình như dự án Ocean Villas, ngay khi tung ra thị trường bán ba giai đoạn đầu của dự án thì đã có tới 90% khách hàng đặt mua.

Đặc biệt, nếu trước đây, khách mua phân khúc này chủ yếu là người nước ngoài, thì điều bất ngờ là, người sở hữu những khu biệt thực này lại là các đại gia Việt Nam. Trong đó, theo thống kê của Savills Việt Nam, thì có đến 80% khách hàng là người Hà Nội, trong khi chỉ có 13% khách hàng đến từ TP.HCM, và phần còn lại là Việt kiều và khách đến từ các tỉnh, thành khác.

Như vậy, có thể thấy, nếu người TP.HCM thích lựa chọn những căn biệt thự có giá 300 – 800 nghìn USD ở các khu nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu và Bình Thuận là điểm đến, thì người Hà Nội chỉ có biệt thự nghỉ dưỡng có giá hàng triệu USD mới là sự lựa chọn thích hợp.

Giá nhà Hà Nội gấp 2 lần TP.HCM

Không chỉ bạo tay trong việc mua sắm các căn hộ biệt thự nghỉ dưỡng triệu đô, người Hà Nội còn tỏ ra chịu chơi hơn khi sẵn sàng sở hữu nhà đất với mức giá cao gấp đôi TP.HCM và cao hơn hẳn 1 số nước trên thế giới.

Ví dụ, nếu lấy Tháp Rùa (Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội) là tâm, quay bán kính khoảng 9km về phía khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra, thì một căn biệt thự khoảng 300m2 tại khu vực này cũng lên đến 50 - 60 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Australia, nếu lấy thành phố Sydney làm tâm, quay bán kính 9km thì một căn biệt thự có diện tích 800 m2 cũng chỉ có giá 800 – 900 nghìn đô la Úc, tương đương khoảng 20 tỷ đồng.

Một độc giả tên Tuấn cho biết: "Tôi có 1 căn biệt thự ở khu Trần Thái Tông (Nguyễn Phong Sắc kéo dài), Hà Nội diện tích 150 m2, giá bán đã gần 50 tỷ mà tôi không bán. Mặt đường Trần Thái Tông bây giờ giá đất khoảng 400 triệu/m2. Nếu 800 m2 (hợp khối 5 -6 căn mặt đường) thì giá lên tới 300 - 400 tỷ, chứ không có chuyện 40 tỷ đồng".

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cen Group, hiện giá nhà ở xã hội tại Hà Nội còn đắt hơn cả giá nhà thương mại của TP. HCM. Theo thống kê trên hệ thống của Cen Group, các loại nhà có giá 10 - 11 triệu đồng ở TP.HCM rất nhiều, còn Hà Nội thì gần như không có, những nhà có giá bán 13-14tr/m2 là rất hiếm tìm thấy tại Hà Nội.

Tại TP. HCM, những dự án giá cao chót vót cũng không nhiều. Trong khi tại Hà Nội, những dự án chung cư có giá trên 30 triệu đồng/m2 là khá phổ biến.

Bất động sản nằm trên trục Lê Văn Lương kéo dài có mức giá cao ngất ngưởng. Căn hộ liền kề An Hưng hiện vẫn xoay quanh mức 79-80 triệu đồng/m2, biệt thự 62-63 triệu đồng/m2, khu đô thị mới Văn Phú giao dịch ở mức 60-62 triệu đồng/m2 đường nhỏ, liền kề mặt đường Lê Trọng Tấn 120-130 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, ở TP.HCM, cũng vị trí đẹp tương đương, nhưng mức giá thấp hơn nhiều. Dự án Him Lam – Tân Hưng nổi lên với mức 84,3 triệu đồng/m2. Các dự án khác chỉ dao động từ 30 đến 40 triệu đồng/m2. Dự án An Phú – An Khánh có giá 44,6 triệu đồng/m2….

Vì sao giá đất Hà Nội lại “đắt đỏ”?

Lý giải về việc đất tại Hà Nội quá “đắt đỏ” so với TP.HCM, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đất Xanh Miền Bắc (thành viên của Tập đoàn Đất Xanh) cho rằng, do thị trường Hà Nội suốt một thời gian dài thiếu nguồn cung, thông tin giao dịch bất động sản thiếu minh bạch, nên người Hà Nội thường có xu hướng tin vào những thông tin ngoài lề, không chính thống, “rỉ tai” mách nhau hay bằng các quan hệ thay vì đến các sàn mua sản phẩm của chủ đầu tư.

Trong khi đó, các chủ đầu tư tại TP.HCM thì cung cấp thông tin rất minh bạch, toàn bộ hồ sơ, pháp lý cũng như tờ rơi giới thiệu dự án rất rõ ràng.

“Chính việc mua bán lòng vòng này đã khiến cho giá nhà đất tại Hà Nội bị đội lên rất cao so với giá thực”, ông Quyết cho biết.

Còn theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cen Group, giá của các dự án bất động sản thường đắt hơn gấp 2 lần so với TP.HCM do chi phí ẩn của các dự án ở Hà Nội thường rất cao.

Nguồn gốc các dự án ở Hà Nội thường lấy quỹ đất từ đất chuyển đổi mục đích sử dụng như: đất từ các nhà máy, văn phòng, khu tập thể thành chung cư để chuyển thành đất bất động sản để bán, đặc biệt là ở khu vực nội đô. Còn các khu vành đai thì chủ yếu chuyển đổi từ đất nông nghiệp.

Do việc chuyển đổi các khu vực này khá phức tạp vì tiền đền bù khá cao, hơn nữa còn phải đảm bảo quyền lợi cho công nhân viên ở khu vực chuyển đổi.

Trong khi đó, tại TP.HCM, các khu vực như đất ở Quận 7, Quận 8, phần lớn đất bất động sản được chuyển từ đất hoang hóa, đầm lầy. Do đó, nhiều dự án thực hiện ở TP.HCM, quá trình làm từ lúc có chủ trương đến xong hồ sơ chỉ mất 6 – 9 tháng, nhưng ở Hà Nội ít nhất dự án xong hồ sơ cũng mất trên dưới 2 năm.

“Điển hình như dự án Sky City​ (Láng Hạ), sau 10 năm mới xong việc chuyển đổi. Trong suốt 10 năm đó, chủ đầu tư đã mất rất nhiều chi phí ẩn như: vốn tồn đọng, thủ tục giấy tờ….”, ông Hưng nhấn mạnh.