Việc lên sàn theo các chuyên gia kinh tế sẽ giúp hai “đại gia” đồ uống này cải thiện quản trị DN, tạo hàng hóa có chất lượng, phát triển thị trường chứng khoán. 8 năm chưa lên được sàn Theo văn bản gửi Bộ Công Thương của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết, dù thực hiện CPH được hơn 8 năm nhưng đến nay, quá trình bán vốn Nhà nước tại Habeco và Sabeco vẫn hết sức chậm. Văn bản của VAFI cho biết, cách đây hơn 10 năm, Sabeco là DN lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk nhưng nay thì ngược lại, lợi nhuận Vinamilk cao gần gấp 3 lần Sabeco. Sau hơn 8 năm CPH, Sabeco và Habeco tăng trưởng rất chậm mặc dù tiềm năng phát triển là rất lớn.
Trên cơ sở đó, VAFI đề xuất, Bộ Công Thương nhanh chóng đề nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán. Số tiền tổ chức này dự tính thu được vào khoảng 3 tỷ USD, sẽ giúp ngân sách có thêm một khoản tiền lớn đầu tư vào các dự án giao thông công cộng, cải thiện môi trường sống. Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển), sự chậm trễ “lên sàn” của 2 DN này có thể do những tính toán về giá trị vốn, tài sản, mệnh giá cổ phần… chưa được suôn sẻ, hợp lý nên DN chưa tiến hành niêm yết. “Tuy nhiên, dù nguyên nhân thế nào, tôi cho rằng dứt khoát phải CPH, càng nhanh càng tốt. Khi có phương án CPH ổn định thì phải niêm yết” - chuyên gia Lưu Bích Hồ nhấn mạnh. Đủ hay chưa đủ điều kiện niêm yết?
Đại diện Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển DN (Bộ Công Thương) cho biết, cả Sabeco và Habeco đều chưa đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu. “Nhà nước đã có chủ trương thoái vốn, tuy nhiên việc bán bao nhiêu và bán cho ai, khi nào bán... còn phụ thuộc vào chính sách tài khóa, tài chính của Chính phủ” - ông này nói. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI thì Sabeco và Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết. Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thoái vốn Nhà nước và niêm yết chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ 51/2014/QĐ-CP ngày 15/9/2014 qui định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DN Nhà nước. Cụ thể, tại Điểm 2 Điều 14 của QĐ 51 quy định: “Đối với DN đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành, đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc DN hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định trong thời hạn tối đa một năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực”. Đối chiếu quy định trên và nhiều chủ trương chính sách trước đó và các Nghị quyết Đại hội cổ đông tại 2 DN này về thực hiện niêm yết, VAFI cho rằng, những người quản lý vốn trực tiếp và gián tiếp tại Sabeco và Habeco đã không thực hiện chủ trương của Chính phủ, không hoàn thành nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó. Tháng 10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 10 DN kinh doanh hiệu quả như Vinamilk, nhựa Tiền Phong, nhựa Bình Minh, Bảo hiểm Bảo Minh,…. Như vậy, chủ trương Chính phủ đã rõ và việc bán toàn bộ cổ phần Nhà nước tại Sabeco và Habeco là vấn đề không còn bàn cãi. Vì thế, theo VAFI, Bộ Công Thương phải chủ động hơn, tích cực hơn.
Dây chuyền đóng bia chai Hà Nội. Ảnh: Cao Thắng |
Bộ Công Thương đang đại diện tới gần 90% vốn Nhà nước tại Sabeco và 80% vốn Nhà nước tại Habeco. |