Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại học công lập chảy máu chất xám vì thiếu kinh phí

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại hội thảo "Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học công lập" sáng 29/11, lãnh đạo các trường cho rằng kinh phí nhà nước cấp chỉ đủ duy trì chứ không thể phát triển và đề xuất trao quyền tự chủ toàn bộ cho các đại học.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hoàng Văn Châu cho hay, hiện trường có trên 700 cán bộ, giảng viên với 3 cơ sở đào tạo tại Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh. Trường được giao quyền tự chủ tài chính từ năm 2008, được phép tăng định mức và tăng lương thêm 2,5 lần.

"Ngoài ra, so với các trường, chúng tôi không được hưởng thêm quyền gì nên không tạo ra nguồn thu và không thể tăng lương được nhiều. Đó là nguyên nhân làm chảy máu chất xám, các giáo viên giỏi ra đi, dạy ở đại học tư thục hay các tổ chức tài chính ngân hàng có thu nhập cao hơn", ông Châu nói.

Vị hiệu trưởng cũng cho hay, nguồn kinh phí được cấp thấp khiến trường không có nguồn tích lũy để đầu tư về cơ sở vật chất, phục vụ việc dạy và học, đồng thời, không thể thực hiện được chế độ ưu đãi mà nhà nước dành cho giảng viên Mác-Lê Nin, giáo dục thể chất.

Bên cạnh đó, nhà trường lại không được tự chủ trong việc sử dụng các nguồn thu. Ví như cách đây không lâu, trường phải sắm phòng vi tính nhưng kho bạc không duyệt chi vì theo chủ trương là phải cắt giảm hành chính công. "Đây là sự bất hợp lý", ông Châu nói.

Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân Nguyễn Văn Nam thì cho rằng các trường công lập, dân lập nên ngồi lại với nhau để có những ý kiến đồng điệu. Ông Nam cho rằng, "tự chủ" cũng cần xác định rõ tự chủ hoàn toàn hay tự chủ tài chính. Nếu là tự chủ tài chính thì chắc chắn phải tự chủ trong đào tạo, quản lý và nghiên cứu khoa học.

"Theo tôi nên có một cuộc họp của các trường. Cần xác định mỗi lĩnh vực có đầu tư khác nhau nên việc tự chủ thu chi cũng không thể giống nhau. Như ĐH Bách khoa phải đầu tư nhiều hơn ĐH Kinh tế quốc dân vì họ phải tốn nhiều tiền cho các phòng thí nghiệm", ông Nam nói.

Đồng tình với ông Nam, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, mỗi trường, mỗi đơn vị có đặc thù riêng nên cần phân tầng các trường để có chi phí phù hợp. Nhà nước phải đầu tư đủ cho các ngành đào tạo khoa học cơ bản, còn những nhóm ngành đào tạo do nhu cầu xã hội thì xã hội phải chia sẻ.

Việc này cũng nên làm thí điểm, và phải có cam kết về trách nhiệm giữa nơi đào tạo với người sử dụng. Ông Nhạ nhấn mạnh, tự chủ cũng phải gắn liền với giám sát nếu không sẽ không đạt kết quả.

Số lượng học sinh tăng lên nhưng kinh phí từ ngân sách nhà nước không thay đổi nên chỉ có thể duy trì chứ không phát triển được chất lượng giáo dục. Ảnh: Hoàng Thùy.

PGS Phan Duy Minh, Trưởng bộ môn Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) phân tích, doanh thu bằng sản lượng nhân với giá bán. Khi giá bán không thay đổi trong khi ta muốn tăng doanh thu thì phải tăng sản lượng. Như vậy, khi cơ sở vật chất vẫn như cũ nhưng sinh viên đông lên thì chất lượng sẽ giảm sút.

Ông Minh đề xuất, nhà nước nên cho phép các trường công lập, dân lập chỉ có một khung học phí. Việc tuyển dụng cũng nên lựa chọn kỹ càng, không nên nhìn vào bằng khá giỏi bởi việc chạy điểm là rất phổ biến. Nơi tiếp nhận lao động nên tuyển những người giỏi để gây sức ép trở lại cho cơ sở đào tạo, khiến họ phải làm tốt nhiệm vụ với xã hội, đất nước.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương bày tỏ, việc tuyển sinh hệ ngoài ngân sách cần được khuyến khích. Theo ông, đây là hình thức xã hội hóa rất tốt, có lợi cho người học, nhà trường và Nhà nước. Ví dụ nhiều em khi không vào được ĐH Ngoại thương đã quyết định không vào các đại học tư thục mà đi du học nước ngoài hoặc học trường quốc tế tại Việt Nam. Như vậy, việc đại học công không tuyển đã vô tình tạo điều kiện cho các trường bên ngoài tuyển sinh hệ ngoài ngân sách.

Ông Châu chia sẻ, dù không có nguồn kinh phí nhưng nhà trường đã tận dụng việc huy động nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, dự án từ nước ngoài để nâng cao cơ sở vật chất. Bằng cách này, nhiều phòng hội thảo, khuôn viên của trường đã trở nên khang trang… Bên cạnh đó, ĐH Ngoại thương cũng thực hiện tiết kiệm, tổ chức bộ máy quản lý gọn nhẹ, thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương kiến nghị Bộ Giáo dục hãy cho phép nhà trường tự chủ về chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh và tự quyết định về mức thu học phí. Ông nhận định, việc thu mức học phí cao hơn mức trần có thể hạn chế một bộ phận học sinh giỏi nhưng trường sẽ tìm cách khắc phục.

Ông cũng mong muốn trường được phép sử dụng chủ động các nguồn thu từ học phí cho các hoạt động mua sắm phục vụ cho học tập và giảng dạy, tự chủ về biên chế, thu nhập, được phép quyết định thành lập các đơn vị trực thuộc và tự chủ về hợp tác quốc tế.

"Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho các trường công lập, đổi mới cơ chế phân bổ tài chính, nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước và đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục", Hiệu trưởng Châu nói.

Hiệu trưởng ĐH Kinh tế đề xuất, bên cạnh việc trao quyền tự chủ, nhà nước cũng phải có cơ chế khoán. Ví như nhà nước trao tiền, khoán đề tài, nếu không nộp được sản phẩm thì phải nộp tiền phạt, hay khoán phải đào tạo được 500 sinh viên có chất lượng, nếu không làm được thì phải trả lại tiền.