Có ngành học chỉ tuyển được... 9 sinh viên
Kỳ tuyển sinh năm nay (2022), trường Đại học Đồng Nai được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) cho phép tuyển 286 chỉ tiêu hệ đào tạo Đại học ngành Sư phạm. Trong đó, ngành Giáo dục Tiểu học có chỉ tiêu cao nhất là 140 sinh viên; kế đến, ngành Giáo dục Mầm non 65 chỉ tiêu, Sư phạm Ngữ văn 36, Sư phạm Toán 23.
Riêng hai ngành Giáo dục Mầm non (hệ Cao đẳng) và ngành Cao đẳng Sư phạm, mỗi ngành tuyển 20 chỉ tiêu.
Đáng chú ý có 2 ngành được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển với chỉ tiêu rất thấp, đó là ngành Sư phạm Vật lý với 9 chỉ tiêu, ngành Sư phạm Lịch sử 13 chỉ tiêu.
Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng trường Đại học Đồng Nai cho biết: “So với những năm trước, thì năm nay chỉ tiêu tuyển sinh chung cho toàn bộ các ngành đào tạo sư phạm hệ Đại học đã bị rút giảm đáng kể. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác tổ chức đào tạo".
Theo Tiến sĩ Lê Anh Đức, với những ngành quá ít chỉ tiêu như: ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Vật lý, nhà trường sẽ trình UBND tỉnh Đồng Nai xin hỗ trợ chi phí để duy trì đào tạo.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Anh Đức, năm 2010, từ một trường cao đẳng, được nâng cấp thành trường đại học, trường Đại học Đồng Nai luôn được tỉnh Đồng Nai quan tâm và hỗ trợ để phát triển.
Theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, trong 5 năm (từ 2020 đến 2025) trường Đại học Đồng Nai phải là đơn vị có thế mạnh về đào tạo giáo viên, quản lý giáo dục, ngoại ngữ, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại, kỹ thuật… để phục vụ ngành công nghiệp, dịch vụ ở Đồng Nai.
Nghị quyết là thế, nhưng nhìn vào thực tại với số lượng tuyển sinh ngày càng giảm xuống, nhiều cán bộ giảng viên đều tỏ ra lo lắng cho công tác duy trì số lượng sinh viên để đào tạo, cũng như việc duy trì đội ngũ giảng viên và công tác nghiên cứu.
Hiện nay, bộ môn Vật lý duy trì được 2 lớp sinh viên. Cụ thể, lớp sinh viên năm thứ 2 có 9 sinh viên, còn lớp sinh viên năm thứ nhất có 14 sinh viên.
Thầy Trần Huy Dũng (Trưởng bộ môn Vật lý - trường Đại học Đồng Nai) cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu giáo viên dạy môn Vật lý bậc THPT bị bão hòa, sinh viên tốt nghiệp ra trường đi xin việc làm rất khó. Vì vậy, số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh vào ngành Vật lý ngày càng thấp.
Tương tự, thầy Trương Hữu Dũng (phụ trách khoa Sư phạm) cũng cho biết, khoa Sư phạm - Khoa học tự nhiên hiện có 5 bộ môn, nhưng bộ môn Tin học và Sinh học thì không có sinh viên để đào tạo. Còn đối với các ngành Toán, Hóa, Lý, những năm gần đây, số sinh viên giảm mạnh. Hiện tại, mỗi ngành này chỉ còn đào tạo được 1 lớp (từ 20 đến 40 sinh viên).
Giảng viên phải “chạy" sang dạy… ngành học khác
Cô Bùi Đoàn Phương Linh (Trưởng bộ môn Sinh học) cho biết, hiện nay, bộ môn Sinh học có 6 giảng viên. Trước đây, bình quân bộ môn đào tạo khoảng hơn 20 sinh viên.
Từ năm 2020 đến nay, nhà trường đóng cửa đào tạo ngành Sinh học nên tất cả giảng viên chủ yếu tham gia hỗ trợ giảng dạy cho một số ngành học khác, như: tiểu học mầm non, khoa học môi trường và đào tạo liên thông.
Cô Bùi Đoàn Phương Linh bày tỏ, khó khăn nhất hiện nay vẫn là bộ môn không tuyển được sinh viên chuyên ngành chính để đào tạo. Nhiều ngành học trong nhà trường đang thiếu sinh viên, nên giảng viên bộ môn Sinh học muốn sang những ngành khác giảng dạy thì lại không đúng với chuyên môn của mình.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí để duy trì lớp học. Bản thân cán bộ giảng viên trong trường rất lo lắng về vấn đề này. Rất mong lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Bộ GD&ĐT hỗ trợ, tạo điều kiện để duy trì được ngành học này. Hiện, bộ môn cố gắng mở thêm những mã ngành học mới, gần với ngành Sư phạm Vật lý. Đây cũng là giải pháp để xứ lý tình trạng thiếu người học như hiện nay” - thầy Trần Huy Dũng cho biết.
Bài toán khó về giảng viên có trình độ Tiến sĩ
Hiện nay, trường Đại học Đồng Nai quy tụ được 385 viên chức, giảng viên làm việc tại các phòng, khoa, trung tâm; trong đó có 35 Tiến sĩ (chiếm tỷ lệ hơn 9%) trên tổng số giảng viên, 3 Phó Giáo sư, hơn 230 Thạc sĩ.
Trong khi đó, tỷ lệ Tiến sĩ đối với các trường Đại học trên toàn quốc là 30% (theo số liệu Bộ GD&ĐT công bố năm 2021). Nếu so sánh với các trường Đại học dân lập trong phạm vi tỉnh Đồng Nai, trường Đại học Đồng Nai có tỷ lệ Tiến sĩ thấp nhất.
Trong 5 năm trở lại đây, dưới “sức ép” của khó khăn do thiếu sinh viên, chế độ thu nhập, đãi ngộ và môi trường làm việc không thuận lợi đã khiến cho hàng chục Tiến sĩ phải xin nghỉ việc và chuyển sang trường khác.
Năm 2022, nhà trường có dự kiến mở thêm nhiều ngành học mới: Thương mại điện tử, Luật, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng... Tuy nhiên, hiện tại các ngành học này đang thiếu Tiến sĩ đầu ngành để được mở ngành theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trước những khó khăn về nhân sự, Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng trường Đại học Đồng Nai cho biết, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 - 2025, trường Đại học Đồng Nai đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ tuyển dụng gần 80 Tiến sĩ, nhằm duy trì ngành đào tạo và đáp ứng đủ quy định để mở thêm ngành đào tạo mới.
“Hiện nay, chương trình tuyển dụng và thu hút giảng viên trình độ cao đang được tỉnh Đồng Nai xem xét. Chúng tôi đang phải tính toán lại tất cả, làm sao để thu hút được giảng viên trình độ cao. Cùng với đó là chế độ đãi ngộ phù hợp, nhằm phục vụ tối đa công tác đào tạo trong nhà trường một cách khoa học, chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội...” - Tiến sĩ Lê Anh Đức chia sẻ.