Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 5/11/2021, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt Kênh Chất lượng giáo dục ĐH và nghề nghiệp, nhằm phát triển văn hóa chất lượng giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu tại Lễ ra mắt kênh Chất lượng giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho biết: Với vai trò, sứ mệnh thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng đổi mới giáo dục ĐH và nghiên cứu khoa học, ĐH Quốc gia Hà Nội luôn nỗ lực để có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội luôn coi văn hóa chất lượng là gốc và sẵn sàng chia sẻ, mong muốn lan tỏa và phát triển văn hóa chất lượng.
Theo Giám đốc Lê Quân, hoạt động chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Văn hóa chất lượng luôn được đề cao và đóng vai trò là số 1, xuyên suốt các hoạt động của ĐH Quốc gia Hà Nội. Do đó, việc ra mắt Kênh Chất lượng giáo dục ĐH và nghề nghiệp sẽ góp phần phát triển chất lượng giáo dục của ĐH Quốc gia Hà Nội nói riêng, hệ thống giáo dục ĐH và nghề nghiệp cả nước nói chung.
Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp. Ảnh: VNU. 
Kênh Chất lượng giáo dục ĐH và nghề nghiệp hướng tới tạo lập và phát triển nền tảng để thúc đẩy văn hóa chất lượng của các trường ĐH và cao đẳng tại Việt Nam, hoạt động trên cơ sở 4 trục nội dung chính: Đảm bảo chất lượng, Kiểm định chất lượng, Xếp hạng và đối sánh chất lượng giáo dục và Quản trị trường học.
Bên cạnh đó, Kênh Chất lượng giáo dục ĐH và nghề nghiệp hướng tới triển khai các hoạt động chính: Nghiên cứu và tư vấn chính sách; báo cáo và đánh giá giáo dục; hội nghị/hội thảo/diễn đàn; bồi dưỡng và tăng cường năng lực; tôn vinh, ghi nhận, lan tỏa các thực hành xuất sắc trong quản trị ĐH. Mục đích cuối cùng của Kênh là tạo được nền tảng để phát triển văn hóa chất lượng của các trường đại học và cao đẳng Việt Nam.
Giám đốc Lê Quân cho biết trong thời gian tới, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ giới thiệu Kênh phát triển nguồn nhân lực, tập trung kết nối doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Nền tảng này hướng tới kết nối việc đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, gắn với giáo dục học tập suốt đời.
 Ngay sau lễ ra mắt Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”. Ảnh: VNU.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH Phạm Vũ Quốc Bình và Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT Lê Mỹ Phong hy vọng nền tảng này sẽ giúp tập hợp đội ngũ các nhà khoa học, các cơ sở giáo dục ĐH cùng nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển hoạt động đảm bảo chất lượng và văn hóa chất lượng.
Trong khi đó, Giám đốc Điều hành Mạng lưới các đại học ASEAN (AUN) Choltis Dhirathiti cho rằng nền tảng này sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển chất lượng hệ thống giáo dục ĐH và nghề nghiệp của Việt Nam. Đồng thời, ông Choltis Dhirathiti bày tỏ ấn tượng với mục tiêu hoạt động của Kênh khi hướng tới hình thành cộng đồng giáo dục ĐH và nghệ nghiệp gắn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau và cho biết, đây cũng chính là trọng tâm của AUN trong lộ trình góp phần xây dựng ASEAN trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao.
Mở đầu cho hoạt động của kênh, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị thường trực của Kênh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn” để các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục ĐH, các nhà nghiên cứu, giảng viên, cán bộ công tác trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng và xếp hạng ĐH cùng làm rõ các vấn đề về lý luận và thực tiễn trong công tác đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, là cập nhật và phổ biến các xu thế mới trong hoạt động đảm bảo - kiểm định chất lượng và xếp hạng ĐH; nhận diện thực trạng và đánh giá hiệu quả việc triển khai chính sách về tự chủ ĐH, quản trị ĐH nói chung, kiểm định - đảm bảo chất lượng và xếp hạng ĐH nói riêng tại Việt Nam...
Trước đó, ĐH Quốc gia Hà Nội đã ra mắt Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học, một hệ thống hỗ trợ công tác dạy – học trực tuyến và trực tiếp cho giáo viên, phụ huynh và học sinh tiểu học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nói riêng và các địa phương cả nước nói chung. Hiện nay, đã có trên 100.000 người từ gần 40 địa phương đăng ký tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ trực tuyến qua kênh này. ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh giáo dục phổ thông thông qua các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông trong thời gian tới.