Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, cùng với đó là Đề án Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt đã mở ra cơ hội chuyển mình mạnh mẽ, đột phá cho trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong việc thực hiện sứ mệnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cấp thiết của Thủ đô
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là trường đại học công lập duy nhất nằm dưới sự quản lý trực tiếp của UBND TP Hà Nội, vì vậy, mục tiêu, sứ mệnh và chiến lược phát triển của trường gắn bó chặt chẽ với chiến lược phát triển của Thủ đô.
Do đó, các ngành đào tạo của trường đều được xây dựng trên cơ sở đáp ứng nhu cầu trong việc xây dựng đội ngũ, nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đáp ứng những yêu cầu cấp thiết mà Hà Nội cần phải xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Những năm gần đây, nhà trường đã phát triển mạnh mẽ, trở thành cơ sở đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực thuộc trình độ đại học và trên đại học. Nhà trường cũng là đơn vị triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tư vấn chính sách, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.
Năm nay là năm đầu tiên nhà trường chính thức triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định 4 nhóm lĩnh vực quan trọng gồm: Sư phạm; văn hóa và con người Hà Nội; kinh tế và đô thị; công nghệ và môi trường. Với từng nhóm lĩnh vực, nhà trường đã xác định các giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả.
Theo PGS.TS Vũ Công Hảo - Trưởng khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, hiện Khoa có 6 ngành đào tạo, bao gồm: Ngữ văn và Văn học, Tâm lý học, Quản lý giáo dục, Công tác xã hội, Luật; Chính trị học. Trong đó, một số ngành đang đứng trước cơ hội rất lớn do nhu cầu nhân lực của Thủ đô Hà Nội thời gian tới là rất cấp thiết, như: Luật, Chính trị học, Công tác xã hội…
Đơn cử như với ngành Công tác xã hội, theo Kế hoạch phát triển công tác xã hội trong ngành giáo dục, giai đoạn 2021 - 2025 thì đến năm 2025, mỗi một cơ sở giáo dục đào tạo đều phải thành lập các phòng công tác xã hội và phải có ít nhất 1 định biên là các chuyên viên, nhân viên công tác xã hội…
“Mỗi năm nhà trường giao cho Khoa chỉ tiêu các ngành này là 50. Tuy nhiên, nhu cầu xã hội hiện nay rất lớn, chính vì thế nhà trường cần phải có sự điều chỉnh để tăng quy mô đào tạo, đáp ứng yêu cầu về phát triển văn hóa, giáo dục của Thủ đô” - PGS. TS Vũ Công Hảo cho biết.
Theo lãnh đạo nhà trường, hiện nay các ngành đào tạo của Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn nói riêng và các ngành đào tạo khác trong trường đang có sự cạnh tranh quyết liệt về chất lượng với các trường chuyên sâu. Tuy nhiên, với các chính sách phát triển giáo dục đào tạo được quy định tại Luật Thủ đô và Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được UBND phê duyệt, sẽ tạo cơ sở để nhà trường mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố.
“Nhà trường đang tiếp tục tập trung vào việc củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy. Hiện nay, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn có 53 cán bộ thì chúng tôi đã có 2 Phó giáo sư, 23 Tiến sĩ, đồng thời đang có 9 nghiên cứu sinh. Năm 2025, Nhà trường tiếp tục có kế hoạch đưa 6 giảng viên trẻ của Khoa đi học nghiên cứu sinh nữa.
Đồng thời với phát triển nội lực thì nhà trường cũng đã triển khai các chính sách thu hút, đãi ngộ các chuyên gia, các cán bộ, giảng viên có trình độ cao để bổ sung vào đội ngũ cán bộ giảng dạy hiện có” - PGS.TS Vũ Công Hảo cho biết.
Phá bỏ những rào cản, tiên phong đổi mới sáng tạo
Theo PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, nhà trường đang đứng trước cơ hội chuyển mình mạnh mẽ, đột phát với các cơ chế, chính sách được thể chế hóa tại 2 văn bản quan trọng là: Đề án Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được UBND phê duyệt và Luật Thủ đô, vừa được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024.
Với Chiến lược phát triển trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố đưa 4 phương hướng quan trọng: Thứ nhất là phát triển trường Đại học Thủ đô Hà Nội phải gắn với phát triển Thủ đô, đặc biệt là liên quan đến phát triển giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và phát triển văn hóa.
Thứ hai là Đại học Thủ đô Hà Nội phải đẩy mạnh chuyển đổi số, quản trị thông minh để nâng cao hiệu quả làm việc cho cán bộ giảng viên.
Thứ ba là đẩy mạnh hợp tác quốc tế. “Chủ trương của trường là phải chọn những đối tác xứng tầm, hàng đầu thế giới để khi hợp tác với họ thì Đại học Thủ đô mới có thể phát triển để trở thành trường đại học đẳng cấp trong khu vực và thế giới, qua đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cho cả nước” - PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Thứ tư là chú trọng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Theo Chủ tịch Hội đồng trường, thời đại 4.0 với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, Big Data… thì việc dạy cho người học bên cạnh việc truyền thụ kiến thức còn phải làm sao nâng cao năng lực tự học, tự tư duy, đổi mới sáng tạo cho người học..
Theo lãnh đạo trường, Trường Đại học Thủ đô định hướng đến 2030 phải là trường đại học có uy tín cao trong nước, khu vực và thế giới. “Đại học Thủ đô xác định là môi trường tiên phong đổi mới sáng tạo, từ cách nghĩ, cách dạy cho người học và phương pháp làm việc, năng lực nghiên cứu khoa học. Đó là những cái mà Đại học Thủ đô phải làm được để đáp ứng các kỳ vọng của lãnh đạo Thành phố đã được đề ra trong Đề án” - PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đối với Luật Thủ đô, theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến hệ thống các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trên địa bàn Thủ đô. Các chính sách tác động trực tiếp, mạnh mẽ mạnh gồm những chính sách về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chính sách về phát triển giáo dục; chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách về phát triển văn hóa.
Trong đó, Luật Thủ đô đã mở ra nhiều cơ hội cho các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô mở rộng các ngành nghề, chương trình đào tạo; chú trọng liên kết hợp tác quốc tế trong tổ chức đào tạo. Luật cũng khơi thông các bế tắc, mở rộng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực giảng viên, không bị hạn chế bởi nguyên tắc định biên hay tinh giản đội ngũ hiện nay.
Đặc biệt, với chính sách phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo đã mở ra rất nhiều cơ chế tạo động lực cho các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu. Chẳng hạn, trong việc quản lý các nhiệm vụ KHCN của Thành phố, Luật Thủ đô quy định hình thức khoán kinh phí theo kết quả sản phẩm, theo đó giảm rất nhiều thủ tục hành chính.
Thành phố sẽ dùng ngân sách để hỗ trợ cho các tổ chức KHCN, thậm chí là doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu. Theo đó, các đơn vị có thể đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm… theo các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố.
Đặc biệt, Luật Thủ đô cho phép viên chức làm việc tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu công lập có thể tham gia góp vốn, tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập.
“Được trực tiếp thành lập các doanh nghiệp hay tham gia góp vốn, quản lý, điều hành các doanh nghiệp trong phạm vi, lĩnh vực được phép, đúng chuyên môn, kinh nghiệm, sở trường… là điều nhiều cán bộ Nhà nước mong muốn, chờ đợi. Tuy nhiên, trước đây, các luật như Luật cán bộ công chức và Luật viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng đều không cho phép. Việc Luật Thủ đô mở ra cơ chế này sẽ mang lại hiệu quả rất cao, vì các kết quả nghiên cứu sẽ nhanh đi vào thực tế, nhanh được ứng dụng hơn” - PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ngoài ra, chính sách quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách Nhà nước cũng lần đầu tiên có ở Việt Nam, hay chính sách về thử nghiệm tiên phong có kiểm soát tại Luật Thủ đô sẽ mở ra rất nhiều cơ hội việc đầu tư các dự án KHCN, khởi nghiệp sáng tạo…
Theo lãnh đạo trường Đại học Thủ đô Hà Nội, với các quy định tại Luật Thủ đô, nhà trường hoàn toàn có thể kiến nghị, đề xuất Thành phố có chính sách và cơ chế đặc thù cho việc tuyển dụng, thu hút, đãi ngộ cán bộ viên chức có trình độ chuyên môn cao nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu mở rộng ngành nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.
Cùng với đó, nhà trường cũng có thể tận dụng các cơ hội ưu đãi đầu tư để xây dựng tổng thể trường, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng qui mô, tầm vóc, chất lượng của trường.
Với chính sách tập trung đầu tư, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội cho việc đề xuất, thực hiện các ý tưởng nghiên cứu, sáng tạo KHCN của cán bộ giảng viên nhà trường. Thông qua Sở Khoa học và Công nghệ cũng như các Sở, ban ngành của Thành phố, nhà trường cần xây dựng các đề án đề nghị UBND, HĐND TP phê duyệt, đầu tư phát triển hoạt động của Trung tâm Khoa học công nghệ; xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên biệt, thành lập các nhóm nghiên cứu trọng điểm, phù hợp với thực tiễn đội ngũ và điều kiện của trường.