Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 19/9, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024 trọng thể khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Tới dự Lễ khai mạc Đại hội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, TP Hà Nội và các bộ, ban, ngành, đoàn thể.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.
  Các đại biểu tham dự Đại hội. 
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, đại hội lần này có sự tham dự của 1.300 đại biểu, trong đó có 999 đại biểu chính thức. Trong số đại biểu chính thức có 332 đại biểu đương nhiên, 536 đại biểu cử (88 người do các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc cử; 448 người do các tỉnh, TP cử) và 131 đại biểu chỉ định.
Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Đại hội lần này có ý nghĩa rất quan trọng, có nhiệm vụ đánh giá tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các tầng lớp nhân dân; việc thực hiện 5 Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 2014-2019 và đề ra Chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024, đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, đáp ứng tâm tư nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Đại hội sẽ thông qua Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, bổ sung; hiệp thương cử ra Uỷ ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực nhiệm kỳ 2019-2024.
  Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Đại hội. 
“Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực cũng như trong nước có diễn biến thay đổi nhanh chóng và phức tạp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần nhận diện đầy đủ, sâu sắc những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức của đất nước để xác định nhiệm vụ trọng tâm, khơi dậy mọi tiềm năng, phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh của đất nước; tăng cường sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; tạo sự đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân; góp phần tích cực đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” – ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Tiếp đó, ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trình bày Bản tóm tắt Báo cáo của Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam khoá VIII. Trong đó khẳng định, 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 đã đề ra.
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của Nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước được quan tâm; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Hoạt động đối ngoại của Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng mở rộng và đa dạng, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hoạt động của Mặt trận ngày càng đổi mới và hướng mạnh về cơ sở. Việc hoàn thiện cơ chế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận. Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc…
 Hà Nội nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội

Tại Đại hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương tham luận về việc nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội.

Theo đó, Hà Nội xác định hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua 5 năm, Mặt trận từ TP đến cơ sở đã chủ trì tổ chức 6.326 đoàn giám sát các nội dung như: việc thực hiện Nghị quyết của HĐND các cấp; thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; việc chấp hành các chính sách của Thành phố, địa phương, đơn vị; chủ trì tổ chức giám sát các nội dung: về khoa học và công nghệ; về bảo đảm an toàn thực phẩm; việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; việc khai thác cát; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra; đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công; phối hợp giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ở các DN...

Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng Quy chế và tổ chức phản biện xã hội. Sau khi có ý kiến của cấp ủy, văn bản đề nghị của HĐND, UBND về việc xin ý kiến phản biện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức họp với các cơ quan liên quan thống nhất kế hoạch phản biện xã hội. 5 năm qua đã tổ chức 2.594 hội nghị phản biện xã hội đối với các tờ trình, dự thảo Nghị quyết HĐND, Quyết định, Quy định của UBND các cấp trình tại kỳ họp, trong đó: Thành phố tổ chức 19 hội nghị, cấp huyện 204 hội nghị và cấp xã 2.371 hội nghị. Qua hội nghị phản biện xã hội, nhiều ý kiến, kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam, của các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã được tiếp thu, là kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Đối với hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, qua 0 năm các Ban Thanh tra nhân dân cấp xã đã giám sát 39.258 cuộc, tập trung vào các lĩnh vực: Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo; việc thu chi các loại quỹ do Nhân dân đóng góp; công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy trình thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong giải phóng mặt bằng; công tác quản lý trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân; việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện các dự án đầu tư, công trình từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn do Nhân dân đóng góp; các công trình có ảnh hưởng đến sản xuất, an ninh trật tự và đời sống của Nhân dân; việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND; giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú...

Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công các thành viên theo dõi giám sát các công trình. Trong 5 năm đã tham gia giám sát 21.208 công trình, dự án phát hiện sai phạm về các lĩnh vực đầu tư không đúng quy định, cung ứng vật tư, thực  hiện quy trình sai so với nội dung được phê duyệt, các việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, đã kiến nghị thu hồi 251.825m2 đất và 15,1514 tỷ đồng.

Từ thực tế hoạt động của MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho thấy để thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp cần: 

Thứ nhất, có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức thành viên; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, thành viên các tổ chức tư vấn của MTTQ Việt Nam các cấp, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín, các chuyên gia trên các lĩnh vực.

Thứ hai, kết hợp chặt chẽ việc nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân với hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở từng cấp.

Thứ ba, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội phải tập trung vào những nội dung, những vấn đề mà xã hội và nhân dân quan tâm liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thứ tư, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam cần phải được tiến hành đồng bộ, đúng Luật MTTQ Việt Nam, Quyết định 217,218-QĐ/TW và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH-CP-MTTQ VN.

Thứ năm, việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam phải khách quan, trung thực, đầy đủ, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp đưa ra phải đảm bảo khả thi và hiệu quả. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội phải theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị đối với các ý kiến góp ý, kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội của MTTQ.

Mặt trận là người phản biện sắc sảo, chân tình

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong suốt 90 năm qua. Thủ tướng nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ qua, phát huy truyền thống vẻ vang và những kinh nghiệm quý báu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nỗ lực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII; góp phần củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nền tảng vững chắc và là sức mạnh to lớn cho sự ổn định, phát triển của đất nước. 

Mặt trận Tổ quốc đã có nhiều cố gắng trong đổi mới tổ chức và hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Đặc biệt là đã có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giám sát, phản biện xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phong trào xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hoá… 

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua việc triển khai 5 Chương trình hành động, hầu hết các nội dung công tác của Mặt trận đều có bước chuyển biến về chất, có sức lan toả. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã từng bước phát huy đầy đủ vai trò của mình được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hệ thống pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng hướng mạnh về cơ sở, theo phương châm gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân để kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước. Chủ động thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm quyền, nhiệm vụ của mình trong tình hình mới. Những kết quả đạt được đã góp phần không ngừng tăng cường, tạo động lực, sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân.

“Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị ở nước ta” – Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập trong công tác Mặt trận cũng như những biến đổi khó lường của tình hình thế giới, khu vực cũng như trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở thêm một số vấn đề để Đại hội xem xét, thảo luận, quyết định.

Một là, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mặt trận cần động viên các tầng lớp nhân dân củng cố, tăng cường khối liên minh giữa công nhân - nông dân - trí thức, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân. Phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Hai là, trong những năm tới, đất nước ta tiếp tục thực hiện mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Mặt trận cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, đổi mới sáng tạo của các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. Tiếp tục tổ chức tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế", bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, lan toả, sát hợp với thực tế.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc phải làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan đảng và nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương. Chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Thường xuyên theo dõi, giám sát việc xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng có đông đồng bào tôn giáo. Các cấp uỷ đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm nhân dân thực sự làm chủ, được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Bốn là, Mặt trận cần tiếp tục vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội, tin tưởng vững chắc vào đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo. Cần làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phân công, phối hợp các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước các cấp, góp phần làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân, do dân và vì dân. Chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn. Cần lựa chọn các nội dung, vấn đề liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề bất cập mà nhân dân quan tâm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp, mỗi địa phương.

 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận. Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, "lợi ích nhóm", tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân.

Năm là, Mặt trận cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết với nhân dân, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân, tập trung hướng mạnh về cơ sở. Tăng cường vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên. Chú trọng việc phối hợp với chính quyền bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực sự tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chung. 

Cần nghiên cứu đổi mới mô hình và tổ chức hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 khoá XII. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận có tâm huyết, trách nhiệm với công việc; đặc biệt là đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách ở các cấp. Phát huy tối đa vai trò các nhà khoa học, các chuyên gia, các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, trong các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các cấp uỷ đảng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và các cơ quan chính quyền cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Mặt trận; tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động và chính sách đối với công tác Mặt trận nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và nâng cao chất lượng công tác Mặt trận trong tình hình mới. Đảng và Nhà nước cũng mong muốn nhận được nhiều hơn những ý kiến đề xuất, góp ý xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để Đảng, Nhà nước tiếp thu và hoàn thiện chủ trương, đường lối và phương thức lãnh đạo của mình.