Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chúc mừng và nhấn mạnh sự ra đời của Hội Luật quốc tế Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; là sự kế thừa và phát huy truyền thống vận dụng pháp luật quốc tế phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hội được thành lập cũng đáp ứng nhu cầu chính đáng của đông đảo giới nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế thuộc nhiều thế hệ tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu sau khi chính thức đi vào hoạt động, với tư cách là một tổ chức xã hội-nghề nghiệp, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, Hội Luật quốc tế Việt Nam cần tạo ra một diễn đàn tập hợp đông đảo các học giả, các nhà quản lý và thực hành pháp luật quốc tế, tổ chức những hoạt động có hiệu quả nhằm tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu luật pháp quốc tế phục vụ hội nhập quốc tế cũng như các yêu cầu khác của đất nước. Là nơi quy tụ những chuyên gia đầu ngành về luật quốc tế, Hội cần cùng với những tổ chức pháp lý đã hình thành tại Việt Nam như Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có những đóng góp, tư vấn và phản biện cho các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, bảo đảm sự hài hòa và phù hợp giữa pháp luật quốc gia với các cam kết quốc tế; phù hợp với nguyên tắc được quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam "tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên". Thông qua các hoạt động của mình, Hội cần tổ chức giao lưu, trao đổi với các hội luật quốc tế của các nước, đóng góp thiết thực vào giải quyết các vấn đề cấp thiết đang đặt ra hiện nay như cơ sở pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, các khía cạnh pháp lý về hội nhập quốc tế…Theo Phó Thủ tướng, tổng kết 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đánh giá chúng ta đã “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hoà bình, ổn định. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao”. Để có được những thành tựu đó, việc vận dụng sáng tạo, hiệu quả pháp luật quốc tế đóng một vai trò quan trọng. Tại Đại hội, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã công bố và trao Quyết định về việc cho phép thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam cho Ban Vận động thành lập Hội. Theo đó, Hội Luật quốc tế Việt Nam là tổ chức xã hội-nghề nghiệp; được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ do Bộ trưởng Bộ Nội phê duyệt; tuân thủ quy định của pháp luật và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động. Phương hướng hoạt động của Hội Luật quốc tế Việt Nam thời gian tới là tập trung thực hiện việc hoàn thiện tổ chức, nhân sự, phát triển hội viên. Hội sẽ tập trung thực hiện 3 hướng hoạt động chuyên môn lớn gồm: Nghiên cứu, tuyên truyền và đào tạo luật quốc tế nhằm phổ biến luật quốc tế, nâng cao nhận thức về luật quốc tế; đóng góp ý kiến, tư vấn và phản biện cho các cơ quan Nhà nước, hỗ trợ quan điểm của Chính phủ tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế; hợp tác, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khác trong các vấn đề pháp lý, giải quyết tranh chấp và hội nhập quốc tế; thiết lập, phát triển các quan hệ hợp tác, đối tác với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực hoạt động của Hội./.