Nhân sự kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng (từ ngày 25/1 - 2/2), ông Veeramalla Anjaiah, nhà báo cao cấp của tờ Jakarta Post (Indonesia) và là tác giả nhiều bài báo và công trình nghiên cứu có uy tín về các vấn đề khu vực, cho rằng “với một chính phủ đổi mới, tiến bộ” và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn trong phát triển kinh tế.
Theo ông Anjaiah, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là “một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới”. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng khoảng 7% trong 4 năm cho đến năm 2019.
Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 2,91%, một trong những mức tăng cao nhất trên thế giới bất chấp đại dịch Covid-19. Dự kiến, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại ở mức khoảng 7% trong năm nay nhờ một loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết gần đây như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA).
Học giả Anjaiah nhấn mạnh Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có kim ngạch xuất khẩu vượt quá GDP. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Việt Nam đạt 261,92 tỷ USD năm 2019, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu đạt tới 264,18 tỷ USD. Khảo sát của AC Nielsen cũng cho thấy sau nhiều thập niên cải cách kinh tế theo định hướng thị trường và với một chính phủ ổn định, giúp nâng cao thu nhập và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia lạc quan nhất thế giới.
Nhà báo kỳ cựu Indonesia khẳng định việc Việt Nam có thể giảm tỷ lệ hộ nghèo từ mức 28,9% vào năm 2002 xuống còn 1,9% vào năm 2018 và tỷ lệ thất nghiệp còn 2% vào năm 2019 là những “thành tựu đáng ghi nhận”.
Đặc biệt, ông Anjaiah nêu rõ với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã chủ trì thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020 bất chấp những thách thức to lớn từ đại dịch Covid-19. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã nhấn mạnh sự cần thiết của tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam đã thúc đẩy đối thoại và hợp tác, nỗ lực ngăn chặn xung đột, xây dựng lòng tin và nỗ lực xây dựng một cấu trúc khu vực cởi mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.
Bên cạnh đó, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025. Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam cũng đã chuẩn bị một kế hoạch hành động khu vực nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 hồi tháng 11/2020 đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 nhằm tạo nền tảng vững chắc cho chặng đường phía trước. Ông Anjaiah cho rằng kết quả lớn nhất của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan được tổ chức trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là việc 15 quốc gia đặt bút ký RCEP, tạo ra khối thương mại lớn nhất thế giới.
Cuối cùng, nhà nghiên cứu cấp cao này đánh giá Việt Nam đã đạt được “thành công lớn” trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 nhờ các phản ứng nhanh chóng, tích cực và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.