Đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, tỉnh Kiên Giang, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành và hơn 1.000 hòa thượng, thượng tọa, đại đức tăng ni, phật tử trong, ngoài nước tham dự Đại lễ.
Hòa thượng, thượng tọa, đại đức tăng ni, phật tử niệm Phật cầu gia hộ tại đại lễ. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) |
Ngày 7/11/1981, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), với 165 đại biểu của 9 tổ chức và các hệ phái Phật giáo trên cả nước tham dự. Trong ngày trọng đại này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức thành lập.
Đây là nguyện vọng tha thiết của tăng ni, phật tử toàn quốc, nhất tâm thành lập ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển vững mạnh. Kế thừa truyền thống 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc suốt 35 năm qua, mọi Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều định hướng theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội.
Tại Đại lễ, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam điểm lại những thành tựu của Giáo hội suốt 35 năm qua là liên tục, ổn định và rất rõ nét, chính nhờ vào tinh thần đoàn kết, hòa hợp, sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức hệ phái Phật giáo, tăng ni, phật tử trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Thích Thiện Tâm nhấn mạnh: “Đất nước Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và Phật giáo Việt Nam cũng liên tục đạt những thành tựu khả quan. Lịch sử đã cho thấy kể từ thời đức Phật tại thế cho đến nay, hễ Nhà nước ủng hộ Phật giáo thì Phật giáo hưng thịnh và đất nước cũng hưng thịnh, phú cường. Văn hóa dân tộc có sự đóng góp lớn lao của Phật giáo về văn học, triết học, giáo dục, mỹ học, kiến trúc, nghệ thuật… nhất là duy trì và phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Nhiều vị giáo phẩm, tăng ni tham gia việc nước, việc dân và làm những việc thiện hữu ích. Chùa chiền là cơ sở giáo dục thiện tâm, nơi hướng dẫn đời sống tâm linh cho mọi người, cộng đồng xã hội hướng thiện, với công tác từ thiện xã hội hàng năm trên 2.000 tỷ đồng. Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, làm tốt đạo, đẹp đời.”
Chặng đường 35 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam trưởng thành và phát triển, tổ chức Giáo hội đã được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và hải ngoại. Giáo hội bước những bước đi vững chắc làm tốt đạo, đẹp đời, xiển dương sự nghiệp hoằng pháp đem ánh sáng giáo lý phục vụ đời sống nhân sinh, và đồng bào Phật tử, cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng Phật giáo thế giới, tích cực chủ động hội nhập và có đầy đủ năng lực trong hội nhập quốc tế.
Thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Đại lễ kêu gọi các cấp giáo hội, hệ phái, hòa thượng, đại đức, tăng ni, phật tử tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm để trang nghiêm Giáo hội; tùy duyên bất biến giữ gìn giá trị nhân văn, bản sắc và sự trong sáng của đạo Phật trong thời đại ngày nay.
Giáo hội phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam . Không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền biển-đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếp sau Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội là Hội thảo khoa học Phật giáo Nam tông Khmer: “Tính kế thừa, thành tựu và phát triển trong lòng Giáo hội” ghi nhận và đánh giá các thành tựu đạt được của Phật giáo Nam tông Khmer trong thời gian qua; thảo luận các định hướng hoạt động trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và thời kỳ hội nhập, phát triển.
Phật giáo Nam tông Khmer kế thừa xuất sắc những thành tựu của Hội đồng Kỷ luật Sư sãi Nam bộ và sau đó là Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam bộ trong công cuộc hộ quốc - an dân, chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Từ khi trở thành thành viên tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, Phật giáo Nam tông Khmer tiếp tục đạt được nhiều thành quả to lớn trên nhiều lĩnh vực, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc góp phần vào thành tựu chung của Giáo hội.
Hàng chục tham luận tại hội thảo nêu bật truyền thống giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer trong đồng bào phật tử; Phật giáo Nam tông Khmer trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế; Phật giáo Nam tông Khmer và văn hóa miền Tây Nam bộ; nghệ thuật hội họa Phật giáo Nam tông Khmer với chức năng giáo dục xã hội; Phật giáo Nam tông Khmer với những giá trị cần phát huy trong điều kiện biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; lễ hội Sene Dolta - một nét văn hóa Phật giáo của người Khmer ở Nam bộ cần phát huy…/