Trả lời câu hỏi của Kinh tế&Đô thị về quá trình hàn gắn giữa hai nước, từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho rằng, mấu chốt trong quan hệ song phương là lòng tin. "Một điều nữa là chúng ta cần thành thực với quá khứ, khi chúng ta thành thực với quá khứ, chúng ta có thể mở ra một loạt những cơ hội mới cho tương lai, như vấn đề vật liệu chưa phát nổ, vấn đề chất độc dioxin", Đại sứ Mỹ nói.
Cũng theo ông, có 2 nhóm người có thể đóng góp tiến trình hòa giải. Đó là cộng đồng người Mỹ gốc Việt và giữa những người đã từng đối nghịch lẫn nhau. Việc hòa giải sẽ nhanh hơn nếu chúng ta thành thực với nhau, Đại sứ Mỹ nhấn mạnh.
Đại sứ Ted Osius cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ với ngành ngoại giao Việt Nam. Theo ông, Việt Nam có chất lượng ngoại giao đạt đẳng cấp thế giới. Việt Nam đã tăng cường các hoạt động ngoại giao rất mạnh trong những năm vừa qua. Việc tổ chức APEC 2017 cũng là dịp việt Nam cho thế giới thấy sự năng động của Việt Nam. "Không phải chỉ tôi mà cả các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng nhìn thấy sự năng động của Việt Nam và thêm yêu quý Việt Nam", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói thêm.
Nền ngoại giao Việt Nam luôn hướng về phía trước, các nhà ngoại giao của chúng ta không nhìn về phía sau và luôn đặt câu hỏi chúng ta có thể tiếp tục làm gì cùng nhau. Tính chất ngoại giao rất thực tế này của Việt Nam khiến người Mỹ rất thích bởi người Mỹ cũng rất thực tế.