Đại sứ Qatar sẽ tiếp tục nhiệm vụ ngoại giao tại Tehran

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/8, Bộ Ngoại giao Qatar tuyên bố rằng đại sứ nước này tại Iran sẽ quay trở lại Tehran, khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Iran.

Bộ Ngoại giao Qatar ngày 23/8 cho biết, Đại sứ nước này tại Iran sẽ quay lại Tehran sau khi được rút về nước hồi tháng 1/2016, bất chấp các yêu cầu của các nước Ả Rập buộc Doha phải giảm quan hệ ngoại giao với Iran nếu muốn giải quyết căng thẳng ngoại giao.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Qatar nêu rõ: "Qatar đã thông báo rằng Đại sứ Qatar tại Iran sẽ trở lại Tehran để nối lại các nhiệm vụ ngoại giao".
 Ngoại trưởng Qatar, ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani. 
Trong thông báo này, Qatar bày tỏ rằng việc gửi đại sứ trở lại Iran “biểu lộ mong ước tăng cường quan hệ song phương với Cộng hòa Hồi giáo Iran trong tất cả các lĩnh vực”.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Qatar cho biết, trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng nước này, ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani và người đồng cấp Iran Javad Zarif, hai bên đã bày tỏ mong muốn đẩy mạnh quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Quốc gia vùng Vịnh này đã rút đại sứ khỏi Iran vào đầu năm 2016 sau khi vụ Ả Rập Saudi hành quyết một tu sĩ dòng Shiite nổi tiếng đã châm ngòi cho các vụ tấn công nhằm vào các cơ quan ngoại giao của Ả Rập Saudi ở Iran.
Trước đó ngày 5/6, các quốc gia Ả Rập gồm Ả Rập Saudi, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa Qatar cả về đường không, đường bộ và đường biển, với cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực. 

Sau đó, 4 nước thuộc khối Ả Rập đã đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó có việc yêu cầu quốc gia ở vùng Vịnh này đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố và cực đoan, hạ cấp quan hệ với Iran và chấm dứt sự hiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. 
Tuy nhiên, Qatar đã từ chối thực thi bản yêu sách này, cho rằng yêu cầu của các nước láng giềng vùng Vịnh vi phạm chủ quyền của Doha.
Cuộc khủng hoảng Qatar hiện chưa có lối thoát sau khi kéo dài hơn hai tháng qua trong bối cảnh Doha và 4 nước thuộc khối Ả Rập không chịu thỏa hiệp hay nhượng bộ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần