Đại sứ Việt Nam tại Nhật Nguyễn Quốc Cường: Tôi được gọi là "Đại sứ Xoài"

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chia sẻ, sau khi ông dùng trái xoài của Việt Nam làm tặng phẩm khi gặp các bạn bè Nhật Bản, nhiều bạn vui đùa gọi ông là “Đại sứ Xoài”.

Xin Đại sứ chia sẻ một vài hoạt động, sự kiện tâm đắc nhất hay một kỷ niệm đáng nhớ nhất của Đại sứ?
Tôi cảm thấy thật may mắn khi được tận mắt chứng kiến và hơn thế nữa là được góp phần mình vào sự phát triển năng động và hiệu quả của mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Nhật Bản.
 Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường.
Sự kiện mà tôi thấy đáng nhớ hơn cả có lẽ là dịp tôi và vợ tôi được Nhà Vua và Hoàng hậu mời vào Hoàng cung dự cơm trưa ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu. Với tôi, đó là vinh dự rất lớn. Nhà Vua và Hoàng hậu đã tiếp vợ chồng tôi rất thân tình. Tôi có dịp thưa chuyện với Nhà Vua và Hoàng hậu về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, về các đời Vua của Việt Nam, về Bác Hồ và Tập Nhật ký trong Tù của Bác, về địa đạo Củ Chi nơi thể hiện tinh thần bất khuất, không ngại gian khổ hy sinh của nhân dân Việt Nam vì độc lập tự do của Tổ quốc… Sau cuộc tiếp, cả Nhà Vua và Hoàng hậu lại ân cần ra tận cửa tiễn chúng tôi. Chúng tôi cảm nhận được những tình cảm gần gũi và trìu mến của Nhà Vua và Hoàng hậu không phải là chỉ dành riêng cho chúng tôi, mà là dành cho cả đất nước và người dân Việt Nam nói chung. Sau chuyến thăm Việt Nam, tôi lại có một số dịp tiếp kiến Nhà Vua và Hoàng hậu. Lần nào cũng vậy, cả Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản đều nói đến những kỷ niệm tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam.  
Năm 2017, một kỷ niệm không thể không nhắc đến nữa đối với tôi, đó là việc tôi đã hoàn thành kế hoạch thăm tất cả 47 tỉnh, thành của Nhật Bản. Tôi chắc mình là đại sứ đầu tiên của Việt Nam có được may mắn thăm tất cả các địa phương của Nhật Bản như vậy, một kỷ lục mà như các bạn Nhật Bản nói là ít đại sứ nước ngoài nào đã làm được như vậy. Công việc tại Nhật Bản rất bận rộn nên thú thật là phải quyết tâm lắm mới có thể lên chương trình đi thăm tất cả các tỉnh, thành của Nhật Bản.
Đi đến địa phương nào, tôi cũng cảm nhận được những tình cảm gần gũi, sự mong muốn phát triển quan hệ với Việt Nam của lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân các địa phương Nhật Bản. Tôi cũng có nhiều dịp tìm hiểu về đời sống, việc học tập và làm việc của các cháu du học sinh, các thực tập sinh, lao động Việt Nam trên đất Nhật Bản. Các cháu đã rất cảm động khi được gặp “bác Đại sứ”, cười vui đấy nhưng đôi mắt lại đỏ hoe, tôi thấy nhiều cháu vội đưa tay gạt đi những giọt nước mắt. Các cháu nói rất nhớ bố mẹ và gia đình, nhớ quê hương, nhưng cháu nào cũng thể hiện quyết tâm rất cao khắc phục những khó khăn trở ngại để phấn đấu đạt cho được những mục tiêu tương lai. Mỗi cuộc gặp như vậy luôn luôn để lại trong tôi những cảm xúc khó quên, vừa thương các cháu với tư cách là người cha, vừa tin tưởng hơn vào nghị lực và quyết tâm của các cháu.
Đã vài năm trôi qua kể từ ngày trái xoài Cát Chu và thanh long chính thức được bày bán tại siêu thị Nhật Bản, xin Đại sứ cho biết về “đời sống” của nó tại thị trường tiêu chuẩn cao này? Đại sứ có thể chia sẻ kinh nghiệm quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại một thị trường lớn và tiêu chuẩn cao như Nhật Bản?
Câu hỏi của bạn lại gợi nhớ tới “chiến dịch” quảng bá trái xoài Cát Chu của Đại sứ quán chúng tôi sau khi Chính phủ Nhật Bản chính thức cấp phép nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhật Bản tháng 9/2015.
Quả xoài Việt Nam trong một siêu thị ở Nhật. 
Tôi biết là sau khi tôi đưa lên mạng xã hội những hình ảnh tay cầm trái xoài Cát Chu của ta giới thiệu với khách hàng Nhật Bản tại siêu thị Aeon hay việc dùng trái xoài của ta làm tặng phẩm khi gặp các bạn bè Nhật Bản đã khiến nhiều bạn vui đùa gọi tôi là “Đại sứ Xoài”. Được làm “Đại sứ Xoài” hay “Đại sứ Thanh long”… cũng là điều đáng tự hào, đúng không? Cũng phải nói thêm là việc đại sứ của ta tại các nước trực tiếp đi quảng bá cho các nông phẩm, các trái cây hay các sản phẩm “made-in-Vietnam” nay không còn là việc hiếm thấy nữa.
Nhiều người Nhật Bản nhận xét xoài Cát Chu của Việt Nam thơm, ngọt dịu, cơm dày, hột nhỏ, không xơ nên được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng phải thú thật mỗi năm ta mới chỉ xuất được vài chục tấn xoài Cát Chu sang Nhật, trong khi Thái Lan xuất 1.500 tấn, Philippines 500 tấn. Cơ hội thì có đấy, nhưng năng lực sản xuất xoài qui mô lớn ở Việt Nam theo tiêu chuẩn chất lượng cao của Nhật vẫn còn hạn chế quá, chắc cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Với quả Thanh long lại là câu chuyện khác. Ta đã bắt đầu xuất thanh long ruột trắng sang Nhật từ năm 2009 và thanh long ruột đỏ từ đầu 2017. Và Thanh long Việt Nam hiện đã chiếm vị trí số 1 trên thị trường Nhật Bản với sản lượng mỗi năm khoảng 1000 tấn, vượt xa ‘đối thủ’ đứng thứ hai là Mỹ khoảng 400 tấn, và thứ ba là Philippines với khoảng 60 tấn.
Nhật Bản là thị trường lớn với khoảng 130 triệu dân, mức sống cao nên các sản phẩm hoa quả nhiệt đới của ta còn có nhiều cơ hội nếu đáp ứng được các điều kiện khắt khe, nhất là về an toàn thực phẩm mà Nhật Bản đặt ra. Ta đang phấn đấu để có thể đưa các loại trái cây khác của ta như vải, nhãn, trái bơ, chôm chôm sang thị trường Nhật Bản trong thời gian tới.
Chúng tôi hợp tác với các siêu thị lớn tại Nhật Bản như AEON để quảng bá hàng hóa của Việt Nam tới người tiêu dùng Nhật Bản trong đó có trái cây tươi trong những dịp như Tuần hàng Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi còn hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức triển lãm giới thiệu hàng nông sản, hoa quả tại Triển lãm chuyên về hàng thực phẩm, nông sản lớn nhất tại Nhật Bản như triển lãm FOODEX. Thương vụ Đại sứ quán còn trực tiếp đưa các đoàn doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, các nhà cung ứng hàng hóa cho các siêu thị của Nhật Bản sang Việt Nam đến tận các cơ sở trồng trọt, nông trang để khảo sát, đặt hàng và đưa ra các điều kiện yêu cầu xuất khẩu.
Thưa Đại sứ, năm 2018, hai nước Việt Nam-Nhật Bản sẽ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, chắc chắn hai bên sẽ có nhiều sự kiện đặc biệt để chào mừng. Xin Đại sứ cho biết về các hoạt động này?
Năm 2018, Nhật Bản và Việt Nam sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 1973-2018. Hai bên đã có các cuộc trao đổi, thống nhất triển khai các hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa thiết thực cho sự kiện này.
Trong năm 2018 chúng ta cũng sẽ có trao đổi các đoàn cấp cao để tiếp tục đưa quan hệ hai nước vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa. Sẽ có nhiều hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp hai nước. Nhiều Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản và Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam sẽ được tổ chức với các quy mô lớn, nhỏ khác nhau để tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị và sự gắn kết giữa nhân dân hai nước chúng ta.
Nhân dịp Xuân mới, Xuân Mậu Tuất, tôi xin chúc các độc giả một năm mới Hạnh phúc, An khang và May mắn. Chúc cho quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng “đơm hoa, kết trái”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần