Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi đau của người lính trận

Đại tá về hưu “bán vé số” gây quỹ giúp nạn nhân chất độc da cam

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Từng bán vé số để gây quỹ hỗ trợ, 17 năm qua, Đại tá thương binh Nguyễn Xuân Hùng – Chủ tịch tỉnh Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Cà Mau đã cùng các cấp hội huy động được hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ các nạn nhân trong tỉnh.

Kinhtedothi - Từng bán vé số để gây quỹ hỗ trợ, 17 năm qua, Đại tá thương binh Nguyễn Xuân Hùng – Chủ tịch tỉnh Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Cà Mau  đã cùng các cấp hội huy động được hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ các nạn nhân trong tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Hùng đang trao quà cho gia đình các nạn nhân da cam năm 2022
Ông Nguyễn Xuân Hùng đang trao quà cho gia đình các nạn nhân da cam năm 2022

Hàng ngày, người dân ở đường Hùng Vương (khóm 4, phường 5, TP Cà Mau) vẫn thấy một ông lão 74 tuổi, cần mẫn chạy xe máy khắp nơi vận động cho quỹ chất độc màu da cam. Đó là ông Nguyễn Xuân Hùng – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau, người đã dành 17 năm đồng hành, hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc màu da cam trên địa bàn tỉnh.

Nỗi đau của người lính trận

 Rời cương vị Đại tá Chỉ huy phó Quân sự tỉnh Bạc Liêu năm 2002, ông Nguyễn Xuân Hùng (Tám Hùng) cứ nghĩ về hưu sẽ được an hưởng tuổi già, điền viên sau bao năm trận mạc. Nhưng rồi xúc cảm của trái tim người lính đã khiến ông gắn bó với các nạn nhân chất độc da cam.

Ông Hùng kể, năm 2004, ông tìm thăm đồng đội cũ có đứa con duy nhất bị nhiễm dioxin. Tại đây, ông không khỏi ngỡ ngàng trước hoàn cảnh khó khăn của đồng đội. Cả gia đình người cựu chiến binh ở trong căn nhà lá xiêu vẹo ngập nước, đứa con 20 tuổi nhưng vô tri như đứa trẻ mới biết bò, tay chân tật nguyền không lành lặn. Nền nhà nước ngập đến mắc cá chân, phân-rác lềnh bềnh, đứa con bò quanh, bỏ vào miệng những gì vớ được. Chứng kiến hoàn cảnh đó đã khiến ông đau đớn không kìm được, ôm bạn mình mà khóc. Hình ảnh đó đau đau ám ảnh ông đến tận bây giờ.

 

Đối với ông, chiến tranh khói lửa, hy sinh quả là khủng khiếp. Trước kia ông chưa từng nghĩ rằng, bị thương còn sống còn tiếp tục chiến đấu như ông đã là hạnh phúc hơn những đồng đội đã ngã xuống. Nhưng bây giờ, ông nhận ra rằng, đồng đội còn sống nhưng nhiễm dioxin còn đau đớn hơn nhiều. Vậy nên, sự xoa dịu nỗi đau của nạn nhân bị chất độc màu da cam mà ông đã và đang làm dù đến đâu, không thể bù đắp hết.

Ông nói: “Các con ông đều làm cán bộ nhà nước, cũng có đứa làm Sĩ quan Quân y, ông đều dạy chúng rằng hãy sống, học tập và chiến đấu từ tấm gương những người đi trước. Đừng để sự bất hạnh của chất độc da cam diễn ra trên đất nước này lần nữa. Còn ông, vẫn tiếp tục là một ông già hàng ngày cần mẫn chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam”.

 Đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam

Ông Hùng tâm sự: “Thấu hiểu với những khó khăn của nạn nhân chất độc màu da cam nên khi Cà Mau có chủ trương thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam của tỉnh, tôi đã xung phong xin nhận việc ngay. Tâm nguyện duy nhất của tôi là phải san sẻ phần nào gánh nặng vật chất, tinh thần mà gia đình và nạn nhân chất độc da cam đang phải chịu.”

Ông Hùng và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau được Chủ tịch nước tăng thưởng Huân chương lao động hạng 3
Ông Hùng và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau được Chủ tịch nước tăng thưởng Huân chương lao động hạng 3

Chia sẻ về những khó khăn ban đầu khi thành lập Hội, ông Hùng cho biết, Hội được thành lập từ năm 2005, lúc này nhân sự chỉ có mình ông làm hội trưởng. Do thiếu thốn về phương tiện và kinh phí hoạt động, ông đã làm nhiều cách khác nhau để huy động được nguồn quỹ.

“Lúc đầu khó khăn quá, tôi đi bán vé số cho những người bạn để kiếm tiền gây quỹ cho hội. Mỗi ngày, tôi đều nhận vài trăm tờ vé số cùng chiếc xe cà tàng ngang dọc các nẻo đường. Cạnh đó, tôi cũng tổ chức cho các đơn vị đi thăm những trường hợp cụ thể để họ cảm nhận hết những khó khăn mà các nạn nhân phải gánh chịu”, ông Hùng nói.

Hình ảnh người cựu chiến binh nhiệt huyết đi vận động với những việc làm cụ thể đã gây ấn tượng, sự đồng cảm với nhiều người. Vì vậy, nhiều người trên địa bàn tỉnh đều chủ động liên hệ với ông để xin đóng góp cho hội và tình nguyện hỗ trợ giúp các nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn.

Tấm huân chương lao động của người lính cụ Hồ

Sau quá trình không ngừng cố gắng, đến nay Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau đã có hơn 6.410 hội viên, vận động hơn 100 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Trên vai trò người đứng đầu, ông Hùng đã cùng các cấp của Hội xây và sửa 457 cây căn nhà, trao hơn 130.000 suất quà, tặng 1.745 xe lăn- xe lắc, khám chữa bệnh cho 218 lượt người, tặng hơn 500 triệu đồng học bổng, đóng góp xây dựng 29 cây cầu nông thôn.

Trong năm 2019, tuy ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid- 19 nhưng hội vẫn tích cực hoạt động theo điều kiện phù hợp, tạo được niềm tin yêu của gia đình các nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh.

Huân chương lao động của người lính Cụ Hồ
Huân chương lao động của người lính Cụ Hồ

Với những thành tích ngoạn mục đã đạt được, năm 2021, Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Cà Mau đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3. Riêng cá nhân ông Nguyễn Xuân Hùng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua vì nạn nhân chất độc da cam giai đoạn 2016-2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận xét về người đồng đội của mình, Đại tá Nguyễn Văn Phép nguyên Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Cà Mau cho biết: Ông Nguyễn Xuân Hùng mãi xứng danh là bộ đội cụ Hồ, còn sức là còn cống hiến cho đất nước, nhân dân. Tấm Huân chương lao động của ông Hùng hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp cho các nạn nhân chất đôc da cam/dioxin.

Box: Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, trên địa bàn tỉnh có trên 17.000 nạn nhân bị phơi nhiễm, trong đó hơn 7.000 người bị dị dạng, dị tật bẩm sinh do di chứng chất độc hóa học/dioxin gây ra.  Toàn tỉnh hiện có 43.801 người đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013. Có 16.172 người được hưởng chế độ người khuyết tật nặng, 5.644 người khuyết tật đặc biệt nặng.