Đắk Lắk: báo động tình trạng phá rừng tại xã Cư San
Kinhtedothi - Thực trạng phá rừng trái phép để chiếm đất sản xuất tại xã Cư San (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) đang diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng và an ninh trật tự địa phương.
Theo phản ánh của người dân tại thôn 11 (cũ) xã Cư San (huyện M’ Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) phóng viên (PV) đã có mặt tại hiện trường vụ việc. Theo đó, tại nhiều tiểu khu thuộc địa bàn xã Cư San, hàng chục ha rừng tự nhiên đã và đang bị triệt hạ. Theo chia sẻ của người dân sống gần khu vực, các đối tượng thường lợi dụng địa hình phức tạp, hoạt động vào ban đêm hoặc ngày nghỉ để đốn hạ cây, đốt rừng lấy đất trồng hoa màu, trồng keo, dựng chòi tạm để canh tác nông nghiệp…
Theo ghi nhận của PV, diện tích rừng bị phá có dấu hiệu tiếp tục mở rộng diện tích, phát luống, đốn hạ các cây lớn rồi đợi thờ cơ dọn sạch cây rừng, đốt và lấn chiếm.
Video: Thực trạng phá rừng trái phép để chiếm đất sản xuất tại xã Cư San diễn biến phức tạp
Theo thông tin phản ánh thì phần lớn diện tích rừng bị xâm hại nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ do chính quyền xã quản lý. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, địa bàn rộng và phức tạp…
Phản ánh đến chính quyền xã Cư San, Chủ tịch UBND xã Cư San Trần Văn Kiên cho biết: “Trong quý I, xã đã tổ chức 41 đợt tuần tra, truy quét và đã phát hiện 23 vụ phá rừng với diện tích là 8,3 ha, bắt một vụ vận chuyển gỗ, tất cả đã lập biên bản gửi về Hạt Kiểm lâm huyện xử lý và tiến hành mật phục các đối tượng...”.
Cũng theo ông Kiên, địa điểm mà PV phản ánh thuộc tiểu khu 794, 795 khu vực đầu nguồn thôn 11 xã Cư San được nhận định là khu vực trọng điểm về nguy cơ phá rừng nên UBND xã cũng đã tổ chức lực lượng tích cực tuần tra, quản lý bảo vệ rừng. UBND xã cũng đã xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ chính trị, hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc quản lý đã gặp rất nhiều khó khăn như địa hình xa, hiểm trở, có những điểm đi đến hơn 4 giờ đồng hồ, địa bàn rộng, bị chia cắt, lực lượng mỏng và không có công cụ hỗ trợ…
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk Lê Ngọc Tam, xã Cư San là địa bàn nóng nhất về nạn phá rừng, huyện cũng đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường kiểm lâm địa bàn, thành lập chốt liên ngành… Tuy nhiên, địa hình quá phức tạp nên gặp nhiều khó khăn.
Video: Việc phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm còn gặp nhiều khó khăn
Có thể thấy, hệ lụỵ của nạn phá rừng là vô cùng nghiêm trọng. Diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp đồng nghĩa với việc mất đi môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, làm suy giảm sự đa dạng sinh học. Rừng bị phá còn làm mất đi lớp phủ thực vật, gây xói mòn đất, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và bề mặt, tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt và hạn hán trong khu vực, ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp của bà con.
Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, phá rừng còn tác động tiêu cực đến đời sống của cộng đồng dân cư. Rừng bị phá làm mất đi nguồn lâm sản phụ, ảnh hưởng đến sinh kế của những người dân sống phụ thuộc vào rừng. Tình trạng tranh chấp đất đai do lấn chiếm rừng cũng gây ra những mâu thuẫn, bất ổn trong cộng đồng.
Thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất đang đặt ra bài toán cấp thiết về quản lý tài nguyên và phát triển bền vững. Nếu không có biện pháp mạnh tay, rừng Cư San – một phần trong "mái nhà xanh" của Tây Nguyên sẽ tiếp tục bị “chảy máu” từng ngày. Do đó, các cấp chính quyền địa phương cần sớm có phương án bảo vệ một cách hiệu quả, đảm bảo được diện tích rừng tự nhiên còn lại.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng phá rừng tại xã Cư San nói riêng và huyện M'Đrắk nói chung, cần có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và cộng đồng.
Một số hình ảnh ghi nhận tại chuyến thực địa:




Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về tình trạng phá rừng tại xã Cư San.

Đắk Nông: xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu không ngăn chặn được phá rừng
Kinhtedothi – Ngày 20/3, UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, nếu đơn vị, địa phương nào để xảy ra phá rừng thì người đứng đầu sẽ bị xử lý trách nhiệm.

Hà Tĩnh: xử phạt người đàn ông phá rừng số tiền 37,5 triệu đồng
Kinhtedothi - UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vừa ban hành Quyết định xử phạt 37,5 triệu đồng đối với người đàn ông có hành vi phá rừng trái pháp luật.

Đắk Nông: gia tăng số vụ phá rừng
Kinhtedothi – Thống kê của tỉnh Đắk Nông cho thấy, trong quý 1/2025 toàn tỉnh xảy ra 45 vụ phá rừng với diện tích thiệt hại hơn 7,7 ha, tăng 21,6% số vụ so với cùng kỳ năm 2024.