Đắk Lắk: hàng nghìn du khách đổ về thác Dray Nur mỗi ngày trong dịp lễ
Kinhtedothi - Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, thác Dray Nur (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Mỗi ngày, nơi đây đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, khám phá thiên nhiên hoang sơ và tận hưởng không khí trong lành của núi rừng Tây Nguyên.
Khung cảnh hùng vĩ giữa đại ngàn
Nằm tại xã Dray Sáp, huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 25 km, thác Dray Nur nổi bật với dòng nước trắng xóa đổ từ độ cao hơn 30m, tạo nên khung cảnh hùng vĩ giữa đại ngàn. Dịp lễ năm nay, thời tiết thuận lợi, giao thông thông suốt đã góp phần giúp lượng khách tăng cao. Nhiều đoàn khách từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… chọn nơi đây là điểm dừng chân trong hành trình khám phá Tây Nguyên.

Nhiều đoàn khách từ khắp nơi trong cả nước chọn nơi đây là điểm dừng chân trong
hành trình khám phá Tây Nguyên.
Không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, thác Dray Nur còn là biểu tượng văn hóa của Tây Nguyên. Nơi đây thu hút du khách không chỉ về vẻ đẹp thiên nhiên mà còn bởi những truyền thuyết kỳ bí và giá trị lịch sử gắn liền với cộng đồng người Ê Đê và M’nông. Theo truyền thuyết địa phương mà những người lớn tuổi truyền miệng, thác Dray Nur gắn liền với câu chuyện hoàng tử Nur – con trai vua Thủy Tề. Trong một lần du ngoạn, hoàng tử gặp hai nàng công chúa lưu lạc do chiến tranh giữa các bộ tộc. Thấy hai nàng cực khổ, Nur lén dùng phép biến thóc lúa đầy rương trong nhà. Hai nàng công chúa đem lòng cảm mến chàng hoàng tử và họ sống chung với nhau rất hạnh phúc. Dù vậy khi nhớ vua cha, hoàng tử Nur lại quay về và khi chia tay, chàng Nur hóa thành một con dúi vàng trở về hang đá bên trong thác. Câu chuyện này gắn liền với cái tên Dray Nur, bởi trong tiếng Ê Đê, Dray có nghĩa là thác, Nur là con dúi, nên từ đó, ngọn thác nơi hoàng tử hóa thân mang tên Dray Nur.
Một truyền thuyết khác kể về nguồn gốc của thác, Dray Nur và Dray Sáp là hai người anh em song sinh. Khi Mẹ Đất chuyển dạ, tại phía thượng nguồn, người anh Dray Nur ra đời trước, được nhận những đức tính hiền hòa của người mẹ nên quanh năm reo chảy êm đềm. Còn ở phía hạ nguồn, người em Dray Sáp ra đời sau thừa hưởng sự hùng dũng của người cha nên đổ dòng ầm ào, cuồn cuộn quanh năm suốt tháng…

Thác Dray Nur trở thành điểm du lịch lý tưởng để du khách vui chơi và tham quan trong những
dịp lễ.
Điểm dừng chân trong dịp lễ
Với sự hùng vĩ và vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng, thác Dray Nur đã trở thành điểm du lịch lý tưởng, thu hút hàng nghìn lượt khách đổ về để vui chơi và tham quan trong các kỳ nghỉ lễ.
Tronng dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, nhiều đoàn du khách nối đuôi nhau về thác Dray Nur tham quan. Men theo con đường nhỏ dẫn đến chân thác, ai ai cũng tìm những địa điểm lý tưởng để có những tấm ảnh, video lưu lại những khoảnh khắc kỷ niệm.

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, rất đông du khách tìm về thác Dray Nur để có khoảng thời gian thư giãn bên gia đình.
Tại chân thác, tiếng thác đổ ào ào, vang vọng như tiếng đàn t’rưng ngân vang giữa đại ngàn; dưới những tán cây lớn, từng đoàn du khách chọn cho mình những vị trí đẹp, hòa mình vào thiên nhiên. Ngoài thưởng ngoạn cảnh đẹp, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động như đi bộ xuyên rừng, chụp ảnh tại các điểm check-in gần thác và tìm hiểu văn hóa các dân tộc Ê Đê, M’nông thông qua các tour ngắn ngày.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Tấn Toàn – du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: Tây Nguyên ngày nay rất phát triển, vẫn giữ được những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ ít nơi nào có được. Gia đình chúng tôi chọn thác Dray Nur là nơi nghỉ dưỡng và hòa mình vào thiên nhiên. Đây sẽ là dịp nghỉ lễ thật đáng nhớ của tôi cùng gia đình.
Sự kết hợp giữa thiên nhiên kỳ vĩ và không gian văn hóa bản địa đã giúp thác Dray Nur trở thành điểm đến nổi bật trong dịp lễ, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương sau thời gian trầm lắng.
Phó Chủ tịch UBND xã Dray Sáp Hòa Quang Trịnh cho biết: dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, trung bình mỗi ngày, điểm du lịch thác Dray Nur thu hút trên 3.000 lượt du khách trong và ngoài nước. Do đó, để đảm bảo chất lượng, cũng như đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch vào các dịp lễ, Tết, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng Công an tăng cường xuống cơ sở, cùng với thôn, buôn nắm tình hình, giữ gìn an ninh trật tự tốt khu vực có du khách tới tham quan.


Thời tiết nắng nóng, rất đông những đoàn khách tới tham quan, nghỉ dưỡng.
Trích dẫn
Là nơi hợp lưu của hai dòng sông Krông Ana và Krông Nô, tạo nên dòng sông Sêrêpốk huyền thoại. Mang trong mình những vẻ đẹp hùng vĩ của đại ngàn, ngày 26/1/2011, thác Dray Nur đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Sự công nhận này không chỉ khẳng định giá trị tự nhiên và văn hóa của thác mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững tại địa phương.

Đông đảo người dân Đắk Lắk theo dõi cầu truyền hình "Bản trường ca hoà bình" tại Tượng đài Chiến thắng
Kinhtedothi- Những nhân chứng lịch sử, những thước phim tư liệu quý giá, những câu chuyện lịch sử, cùng với những tiết mục văn nghệ đặc sắc đã tạo nên một không khí hào hùng, trang nghiêm, tái hiện lịch sử sống động với chương trình “Bản trường ca hòa bình” tại điểm cầu Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột – Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đắk Lắk: dự kiến có 68 đơn vị hành chính sau khi sắp xếp
Kinhtedothi - Ngày 23/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức hội nghị chuyên đề lần thứ 115 để cho ý kiến về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và phương án sáp nhập 2 tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên.
“Bay giữa đại ngàn”- đặc sắc ngày hội khinh khí cầu Đắk Lắk
Kinhtedothi - Ngày 1/5, tại khu du lịch cầu treo Buôn Đôn - Làng đảo (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), diễn ra Ngày hội khinh khí cầu Đắk Lắk năm 2025 với chủ đề: “Bay giữa đại ngàn”. Đây là sự kiện lần đầu tiên tổ chức tại Đắk Lắk.