Khu vực xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt thuộc Km1900+350 đến Km1900+650 đường Hồ Chí Minh. Đoạn đường bắt đầu xuất hiện các vết nứt, lún vào ngày 2/8/2023 và diễn ra nghiêm trọng hơn trong các ngày sau đó.
Hiện tại, phần đường chính thuộc bên phải tuyến (theo hướng lưu thông từ Đắk Nông đi Đắk Lắk) có nhiều vết nứt; trong đó, vết nứt dài nhất hơn 40m (với bề rộng từ 10-15cm). Một số đoạn thuộc dải phân cách, phần đường gom bị sụt lún nặng (thấp từ 3,5-5m so với mặt đường hiện trạng).
Tình trạng này khiến việc lưu thông qua 2/4 làn đường bị chia cắt và ngành chức năng đã rào chắn, cắm biển bảng cấm lưu thông từ đầu tháng 8/2023.
Sau 1 năm kể từ thời điểm xảy ra sự cố sụt lún, sạt lở, tổ giám định liên ngành tỉnh Đắk Nông (gọi tắt là Tổ 1314) do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông chủ trì đã xác định được các nguyên nhân dẫn tới sự cố.
Theo xác định của Tổ 1314, đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa bị sụt lún do một tổ hợp nhiều nguyên nhân. Trong đó, lưu lượng mưa tăng đột biến trong năm 2023 là yếu tố tiên quyết, kích hoạt trực tiếp dẫn tới sự cố sụt lún đường.
Tổ 1314 đã phân tích một loạt các yếu tố về địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn… Nhưng đáng lưu ý, có một nguyên nhân mang tính chủ quan được chỉ ra là khối đất san nền bị sụt trượt, tác động đến việc sụt lún đường Hồ Chí Minh.
Khối đất này nằm áp sát mái ta luy âm nền đường đắp và không có trong hồ sơ hoàn công đoạn đường Hồ Chí Minh. Khi mưa lớn dài ngày, khối đất ngậm no nước, nhão ra vào tạo áp lực lên mặt và mái ta luy âm, nền đường đắp, trở thành nguyên nhân gây ra sụt lún.
Khối đất san nền thuộc phạm vi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Đường bộ Đắk Lắk quản lý, sử dụng.
Theo Ông Hà Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông, Tổ trưởng Tổ 1314, các đơn vị chuyên môn đã ghi nhận hiện trạng và đánh giá đầy đủ các nguyên nhân gây ra sự cố sụt lún đường Hồ Chí Minh.
Sau khi Tổ 1314 tham mưu, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đường bộ Đắk Lắk phải giảm tải hoặc cải tạo khối đất san nền này. Mục tiêu là tránh ảnh hưởng tới an toàn đường Hồ Chí Minh và các hộ dân lân cận.
Cũng theo báo cáo giám định, hiện có 2 phương án để khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt đường Hồ Chí Minh.
Phương án thứ nhất là hoàn trả nguyên trạng; phương án thứ 2 là cải tạo vị trí tuyến sang phía bên trái (theo hướng lưu thông từ Đắk Nông sang Đắk Lắk). Kinh phí dự kiến gần 200 tỷ đồng và thời gian thi công từ 9-11 tháng.
Hiện nay, các đơn vị liên quan đang lập báo cáo tiền khả thi và dự kiến cuối năm 2024, đầu năm 2025 sẽ khởi công việc khắc phục đoạn đường này.
Theo Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, đoạn tuyến xảy ra sự cố do Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2013 trước khi được bàn giao cho là Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông quản lý, bảo trì theo quy định.
Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cũng xác định sự cố sụt lún, sạt trượt không liên quan tới quá trình đầu tư, xây dựng cũng như vận hành, bảo trì đoạn đường.
Trước đó, Báo Kinh tế và Đô thị có bài phản ánh: “Đắk Nông: người dân sống bất an vì lo sợ sạt lở”. Phản ánh về việc Sạt lở nghiêm trọng tại tuyến quốc lộ 14 đoạn qua TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) diễn ra từ tháng 8/2023 nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Điều này khiến cho người dân hết sức lo lắng về tài sản và tính mạng khi mùa mưa năm 2024 đã đến.
Hiện nay, mặc dù đã tìm ra nguyên nhân gây sụt lún đường Hồ Chí Minh nhưng Phía taluy âm đoạn đường bị sụt lún, sạt trượt cuộc sống của 17 hộ dân nơi đây vẫn bất an khi chưa thể di dời đi ở nơi khác được. Vì hiện nay UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo cho UBND thành phố Gia Nghĩa đang đề xuất phương án nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho các hộ dân bị ảnh hưởng, còn việc khắc phục 300 mét đường Hồ Chí Minh bị sạt lở từ năm 2023 thì dự kiến thời gian thi công cũng mất khoảng 1 năm nữa mới xong.