Dự lễ phát động, về phía Trung ương có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Nguyễn Thị Hà.
Về phía tỉnh Đắk Nông có các đồng chí: Y Quang BKrông, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hà Thị Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 tỉnh Đắk Nông diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2024.
Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.
Hiến pháp Việt Nam khẳng định nguyên tắc bình đẳng giới như một cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Trong thực thi bình đẳng giới, Việt Nam đã hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới đã tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp, trong thời gian qua, khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình được rút ngắn đáng kể. Một số mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, giáo dục, y tế đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, sau hơn 15 năm, triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, hạn chế cần giải quyết như: định kiến giới, phân biệt đối xử về giới, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn xảy ra.
Kết quả điều tra bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có 2 phụ nữ đã từng bị bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần hoặc kinh tế bởi chồng; hơn 90% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm bất kì sự trợ giúp nào.
Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc cho toàn xã hội. Trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái.
Tại tỉnh Đắk Nông, từ năm 2022 đến nay xảy ra 60 trường hợp trẻ em gái bị xâm hại tình dục. Những vụ việc trên không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và quyền lợi của các em.
Lễ phát động là một trong số các hoạt động để tỉnh Đắk Nông chủ động thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Tại buổi lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố tập trung triển khai các hoạt động như truyền thông chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới; tổ chức diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo, cuộc thi, tập huấn về bình đẳng giới và phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tháng hành động nhằm mục đích thu hút sự quan tâm và tham gia của công chức, viên chức và người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tại lễ phát động, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã trao tặng 20 phần quà đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.