Ngày 14/7, Thành ủy Hà Nội ban hành thông báo kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã Quý II năm 2023.
Trong đó, để khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao năng lực quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố, Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát tình hình quản lý, vận hành các khu xử lý Nam Sơn, Xuân Sơn; tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo chủ động tiếp nhận, xử lý khối lượng rác thải đến năm 2025 trong trường hợp nhà máy đốt rác có sự cổ, chưa đầu tư đúng tiến độ, đảm bảo việc tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố không bị gián đoạn.
Tiếp tục đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoàn thành và đi vào hoạt động chính thức trong năm 2023; xem xét nâng công suất Nhà máy điện rác Seraphin (Xuân Sơn) và hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2024.
Cùng với đó, UBND các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, thị xã Sơn Tây được giao nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn công tác vận hành các khu xử lý chất thải; khẩn trương hoàn thành các dự án GPMB vùng ảnh hưởng môi trường, giải quyết các kiến nghị của người dân. UBND huyện Ba Vì cần tập trung giải quyết kiến nghị người dân, phải đảm bảo thông suốt công tác tiếp nhận tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.
Các sở, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh nội dung điều chỉnh Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô để tích hợp vào điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; trong đó, tập trung các nội dung: Hệ thống lại các khu xử lý tập trung với quy mô công suất đáp ứng được yêu cầu của công nghệ tiên tiến, thu hồi năng lượng, tránh dàn trải chồng chéo; loại trừ các vị trí không phù hợp về địa lý, tình hình phát triển hoặc đã triển khai; nghiên cứu tập trung vào các vị trí thuận lợi có thể triển khai đáp ứng công suất xử lý cho các vùng theo quy hoạch trên cơ sở công nghệ hiện đại, tốn ít diện tích và đáp ứng yêu cầu môi trường, hợp lý về cự ly vận chuyển để có hiệu quả về kinh tế và môi trường; đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hiện trạng phát sinh chất thải rắn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của 30 quận, huyện, thị xã, phù hợp với các quy định của Luật bảo vệ Môi trường.
Thành phố cũng yêu cầu sớm hoàn thành các dự án hạ tầng kỹ thuật và GPMB tại các vị trí: Châu Can, huyện Phú Xuyên (diện tích GPMB khoảng 23 ha, công suất 1.200 tấn/ngày), Phù Đổng, huyện Gia Lâm (diện tích GPMB khoảng 20ha, công suất 1.000 tấn/ngày), dự án Núi Thoong (Chương Mỹ); hoặc lựa chọn hình thức đầu tư công các dự án xử lý công nghệ hiện đại, hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2030.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để Bộ sớm ban hành hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm cơ sở pháp lý, để UBND Thành phố ban hành Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá, giá dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra chuyên ngành công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn Thành phố.
Đối với định hướng về giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, thành phố chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (dự kiến ban hành trong năm 2023), phấn đấu mục tiêu triển khai trên địa bàn Thành phố trong năm 2025. Trước mắt, chỉ đạo xây dựng và thí điểm mô hình đổi mới công nghệ kết hợp với phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn Thành phố song song với việc xây dựng, ban hành quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình thu gom, phân loại hiệu quả, biểu dương các cá nhân, tập thể làm tốt, tạo lan tỏa tốt về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong xã hội.
Các quận, huyện, thị ủy được giao chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao vai trò, chịu trách nhiệm quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn đúng theo phân cấp; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đổ trộm, trộn lẫn chất thải; quản lý chặt chẽ năng lực các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường và xem xét, đề xuất, giải quyết kịp thời các khó khăn của đơn vị nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Rà soát, ban hành các nội dung về tiêu chí và điều kiện pháp lý phục vụ việc lựa chọn nhà thầu trong giai đoạn 2024-2025, là thời gian chuyển giao khi chưa thực hiện được đồng bộ việc phân loại rác thải tại nguồn, đổi mới quy trình thu gom, vận chuyển theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phải đưa tiêu chí lắp đặt thùng rác bên cạnh các tiêu chí cần thiết khác vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu việc thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn, đồng thời có biện pháp giám sát để việc lắp đặt các thùng rác nơi công công được triển khai trên thực tế.
Các cấp, các ngành phân công rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc chỉ đạo, điều hành; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các nội dung chỉ đạo để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đảm bảo công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố, hoạt động của các khu xử lý tập trung.