Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo cao nhất quyền bình đẳng giữa các ứng viên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày mai, 13/3, ngày cuối cùng tiếp nhận hồ sơ của người được giới thiệu ứng cử, tự ứng cử ĐB Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Và vấn đề người tự ứng cử vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở T.Ư và địa phương luôn thu hút sự chú ý của người dân.

Không phụ thuộc vào cơ cấu

Phó Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, người có nhiều năm kinh nghiệm tham gia công tác giám sát, kiểm tra bầu cử cho biết: Kể cả ĐB Quốc hội, ĐB HĐND thì trong dự kiến của UBTV Quốc hội cũng như của thường trực UBND các cấp cũng không có cơ cấu người tự ứng cử. Thực tế, trong quá trình bầu cử luôn luôn xuất hiện việc tự ứng cử và dù không có trong cơ cấu (ở các cơ quan thuộc T.Ư) cũng không ảnh hưởng gì đến người tự ứng cử. Người tự ứng cử sau khi đã đầy đủ điều kiện rồi cũng bình đẳng như những người được giới thiệu ứng cử. Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có không ít hồ sơ tự ứng cử ĐB Quốc hội được chuyển tới Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành.
Ủy ban MTTQ các quận, huyện, thị xã ký giao ước thi đua thực hiện tổ chức thành công  cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp năm 2016. 	Ảnh: Anh Quý
Ủy ban MTTQ các quận, huyện, thị xã ký giao ước thi đua thực hiện tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp năm 2016. Ảnh: Anh Quý
Trong luật cũng như các hướng dẫn về công tác bầu cử cũng đã quy định: Một khi người tự ứng cử xét thấy mình đủ điều kiện ứng cử ĐB Quốc hội hay ĐB HĐND có thể nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử về Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, TP để đơn vị này kiểm tra, tập hợp hồ sơ và chuyển sang MTTQ cung cấp, lập danh sách, đưa vào hiệp thương vòng 2.

Theo MTTQ Việt Nam, luật đã định, các địa phương phải giới thiệu, bao gồm số người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử tối thiểu gấp đôi số ĐB được bầu để đến hiệp thương lần thứ 3 qua biểu quyết bằng giơ tay hoặc biểu quyết bằng phiếu kín có thể lựa chọn được đủ số dư. Quá trình hiệp thương lựa chọn sẽ dân chủ, công khai và người được giới thiệu cũng như người tự ứng cử đều có cơ hội như nhau chứ không phải vì không có cơ cấu mà loại ra. MTTQ Việt Nam các cấp sẽ giám sát nghiêm từ khâu lập hồ sơ, danh sách các ứng viên, đến quá trình tổ chức hội nghị cử tri rồi vận động tranh cử, làm sao để đảm bảo công bằng giữa các ứng viên trong suốt quá trình từ hiệp thương đến khi bỏ phiếu xong; thậm chí kể cả sau khi bỏ phiếu. Vì thế, có lẽ sẽ không có gì khiến các ứng viên tự ứng cử phải lo ngại.

Nhìn lại những nhiệm kỳ Quốc hội trước, cũng đã có không ít các ứng viên tự ứng cử trúng cử ĐB Quốc hội, HĐND và nhiều người đã thể hiện khá ấn tượng trong vai trò là người đại diện cho nguyện vọng và ý chí của Nhân dân. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, những người có ý định tự ứng cử phải hết sức nghiêm túc nếu cảm thấy mình đủ tiêu chuẩn và đủ điều kiện làm nhiệm vụ ĐB hãy ra ứng cử.

Vai trò “sàng lọc” của MTTQ

Sau quy trình giới thiệu ứng cử và tự ứng cử, Ủy ban MTTQ các cấp là đơn vị được giao nhiệm vụ hiệp thương để có được danh danh sơ bộ và chính thức các ứng cử viên trước khi bầu làm ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp. Có thể nói, gánh nặng trong việc chọn đúng người có tâm, có tầm này là rất nặng nề. Có nhiều ý kiến cho rằng, MTTQ phải lắng nghe, tổ chức thật tốt khâu lấy ý kiến cử tri nơi làm việc và nơi cư trú của người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử. Quá trình chọn lựa cần công khai rộng rãi danh sách lựa chọn sau hiệp thương lần thứ hai. Cùng với đó, phối hợp tốt với cơ quan truyền thông thông tin rộng rãi danh sách những người ra ứng cử để cho cử tri giám sát. Nếu cử tri phát hiện người đó không đảm bảo tiêu chuẩn thì MTTQ phải lắng nghe để quá trình chọn lựa người ra ứng cử không phải là sự quyết định của các thành viên MTTQ mà là ý kiến của các tầng lớp Nhân dân.

Đánh giá về vai trò rất lớn này của MTTQ, ông Nguyễn Văn Pha cho rằng: “Để đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân. Tôi không dám nói rằng mọi hội nghị hiệp thương đều đưa ra được những lựa chọn chính xác. Có những ĐB Quốc hội Khóa XIII mà chính MTTQ lại là nơi phải tổ chức hội nghị để đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐB vẫn đang là bài học đắt giá. Rồi một số ĐB có thể chưa vi phạm để đến mức phải đề nghị bãi nhiệm nhưng chất lượng hoạt động chưa cao cũng cho thấy công tác hiệp thương ở một số nơi còn chưa chính xác, hiệu quả. Nhưng mỗi kỳ chuẩn bị cho bầu cử ĐB Quốc hội, HĐND là lúc MTTQ phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Hy vọng  chúng ta sẽ lựa chọn được nhiều hơn, phát hiện được nhiều hơn những người có đủ tài, đức tham gia ứng cử, trở thành những ĐB của Nhân dân”.
Theo kế hoạch triển khai thực hiện công tác bầu cử của Ủy ban bầu cử TP Hà Nội, việc tiếp nhận hồ sơ người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và HĐND các cấp kết thúc vào 17 giờ ngày 13/3. Chậm nhất là ngày 15/3, Ủy ban bầu cử TP chuyển hồ sơ các ứng viên đến Hội đồng bầu cử Quốc gia, chuyển lý lịch đến Ban thường trực MTTQ TP; Ủy ban bầu cử các cấp chuyển danh sách, hồ sơ của người ứng cử HĐND đến MTTQ cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương. Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐB Quốc hội, HĐND diễn ra trước 18/3 (dự kiến là ngày 17/3). Sau đó, từ ngày 19/3, tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử (đối với người tự ứng cử cần lấy thêm ý kiến của cử tri nơi công tác, nếu có).