Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo phòng, chống bão Rammansun được dự báo đổ bộ vào Móng Cái (Quảng Ninh) sáng 19/7, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết chiều 18/7: Sở đã có công văn hỏa tốc gửi chi cục quản lý thị trường, phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp thương mại (DNTM), trung tâm TM, siêu thị trên địa bàn thành phố thực hiện các nội dung: Đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa, ổn định giá cả, gia cố điểm kinh doanh, kiểm tra, kiểm soát và phân công trực trong thời gian cơn bão Rammansun đổ bộ vào đất liền.
Để đảm bảo thực hiện tốt chỉ đạo của thành phố, ngày 18/7, lãnh đạo Sở Công Thương cùng Sở Tài chính, LĐTB&XH… đã đi kiểm tra về công tác dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống bão, lũ tại kho hàng của Công ty TNHH MTV Lan Chi Busine.SS, Công ty CP sản xuất và TM An Việt. Đồng thời, thành lập 2 tổ kiểm tra về tình hình mua bán, cung cầu, giá cả và công tác phòng chống bão của các chợ đầu mối, một số chợ dân sinh lớn, một số trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, tại 4 đơn vị được UBND TP cho tạm ứng vốn, kết quả: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, bố trí 500 lao động sẵn sàng tham gia ứng cứu, huy động toàn bộ xe của Tổng công ty và thuê xe từ một số nhà cung cấp, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến địa điểm ứng cứu khi tình huống thiên tai xảy ra, dự kiến 89 xe. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, bố trí khoảng 300 lao động sẵn sàng tham gia ứng cứu theo chỉ đạo, đăng ký 20 xe ô tô vận tải chạy 24/24h, huy động toàn bộ xe của Tổng Công ty và thuê.
Công ty TNHH MTV Lan Chi Busine.SS, dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa theo cam kết tại 12 kho của DN và 4 kho của nhà cung cấp; chất lượng hàng hóa đảm bảo; bố trí 20 xe ô tô sẵn sàng ứng cứu; thành lập ban chỉ đạo PCLB và có phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Công ty CP sản xuất và TM An Việt, dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa theo cam kết tại 9 kho của DN và của nhà cung cấp; bố trí 10 xe ô tô và 32 xe máy chuyên dùng chở hàng để sẵn sàng ứng cứu; đã thành lập ban chỉ đạo PCLB và có phân công nhiệm vụ rõ trách nhiệm.
Tại thời điểm kiểm tra, một số DN đang nhập để bổ sung vào kho dự trữ của mình. Các siêu thị cam kết cung cấp đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu của Nhân dân. Lượng khách đến mua hàng không có sự tăng đột biến, cụ thể hệ thống siêu thị Fivimart lượng khách hàng trong ngày đã tăng 10% so với những ngày trước đó. Tâm lý mua, bán ổn định, chưa xảy ra tình trạng người dân mua, bán ồ ạt để tích trữ cho những ngày mưa bão. Giá bán các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định, do các DN đều đã ký hợp đồng trước với nhà cung cấp, không có hiện tượng tăng giá bất thường từ phía nhà cung cấp. Tất cả các đơn vị đều có phân công cán bộ, nhân viên trực 24/24 trong những ngày xảy ra mưa, bão.
Đối với các chợ đầu mối Long Biên, Văn Quán, Minh Khai, phía Nam và một số chợ dân sinh lớn Nghĩa Tân, Bưởi, Châu Long, Ngọc Hà, Hôm đức Viên..., kết iểm tra cho thấy: Số lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu (đặt biệt là các mặt hàng rau, củ, thịt) không có biến động lớn, lượng người mua sắm có tăng so với ngày trước do tâm lý người dân lo ngại giá hàng hóa thực phẩm tăng cao hơn sau mưa bão, tuy nhiên giá bán ổn định. Ban quản lý các chợ đầu mối đều tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh đến các hộ kinh doanh, Nhân dân đến mua bán để ổn định tâm lý và phân công cán bộ trực trong những ngày bão Rammansun đổ bộ.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH MTV Lan Chi Busine.SS, tại TX Sơn Tây. |
Với Siêu thị Big C, Metro, hệ thống siêu thị Fivimart, Intimex, siêu thị Coopmart Hà Nội, Coopmart Hoàng Mai, một số siêu thị và cửa hàng tiện ích của Tổng Công ty thương mại Hà Nội, hàng hóa bày bán dồi dào, dự trữ tại kho với số lượng tương đối lớn, các mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau củ, thịt…) DN ký hợp đồng với nhà cung ứng, cam kết cung cấp đủ lượng hàng, liên tục phục vụ nhu cầu Nhân dân. Hệ thống siêu thị Fivimart dự trữ sẵn sàng tại kho khoảng 30 tấn gạo, 200.000 thùng mỳ, mặt hàng rau củ 3 tấn/ngày; Siêu thị Coopmart Hà Nội dự trữ tại kho gần 10 tấn gạo, 4.000 thùng mỳ và lượng rau củ, đặt hàng 0,5 tấn rau lá/ngày và 6 tấn rau củ/tuần; siêu thị Metro Thăng Long đã chủ động tăng lượng đặt hàng nhóm rau và thịt từ 50-100% trong 3 ngày từ 18-20/7, khoảng 2000 thùng mì; Siêu thị Big C đã thực hiện dự trữ cho 3 ngày cuối tuần khoảng 70 tỷ tiền hàng, trong đó 50 tỷ là hàng lương thực, thực phẩm (có thể đảm bảo cho nhu cầu mua sắm trong 23 ngày). |