"Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều ngày 30/1, báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết".

Tham gia buổi giao lưu có:

- Ông  Nguyễn Văn Đồng  -  Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

-  Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó TGĐ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro

 

-  Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó TGĐ Siêu thị BigC Thăng Long

 "Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết" - Ảnh 1

Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức tặng hoa cho khách mời tham gia buổi giao lưu.

 

Nguyễn Văn Minh (Đống Đa – Hà Nội):
Để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Hà Nội ngành công thương đã có kế hoạch chuẩn bị như thế nào? Hiện lượng hàng hóa dự trữ đã đạt bao nhiêu % kế hoạch?

Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Thực hiện chỉ đạo của UBND TP về bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch cụ thể trong đó dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Quý Tỵ năm 2013 dự kiến tăng khoảng 18-20% so với các tháng trong năm, một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ có thể tăng trên 20%, ước đạt khoảng 35.000 tỷ đồng/tháng.

Ước tổng lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng, đáp ứng được khoảng 20-25% lượng nhu cầu tiêu dùng tăng thêm của thành phố trong những tháng Tết, trong đó nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường là 2.000 tỷ đồng - tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Hiện các DN ngành thương mại Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa phục thị trường Hà Nội trước, trong và sau Tết lên đến 6000 tỷ đồng.

Để chủ động hàng hóa trong dịp này, Sở Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa đầy đủ với các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn, gà, vịt; các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đã xây dựng và có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết. 

Nguyễn Linh (Cầu Giấy- Hà Nội): Hapro là một DN chủ lực của ngành thương mại HN. Đơn vị đã có sự chuẩn bị như thế nào để đảm bảo cân đối hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới?

 
"Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết" - Ảnh 2

Ông Nguyễn Tiến Vượng- Phó Tổng giám đốc Hapro trả lời trực tuyến.

Ông Nguyễn Tiến Vượng- Phó Tổng giám đốc Hapro: Để chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán sắp tới, Hapro đã chủ động triển khai nhiều chương trình nhằm khai thác tốt nhất các nguồn hàng có uy tín. Tổng vốn dành cho dự trữ hàng Tết của Hapro ước tính khoảng 996 tỷ đồng, tăng trên 10% so với kế hoạch thực hiện năm 2012. Phần lớn các mặt hàng Tết là 10 mặt hàng tham gia bình ổn giá: Lương thực, thực phẩm, hải sản, quà tặng... Đặc biệt, Tết Quý Tỵ, chúng tôi cũng đã giới thiệu các sản phẩm truyền thống đến người tiêu dùng như bánh chưng, chả giò, bánh đa, nem.... các sản phẩm của Hapro và một số DN chủ lực khác như Kinh Đô, Hữu Nghị....

Tết năm nay, ngoài các điểm bán lẻ cố định của Tổng công ty, chúng tôi còn triển khai thêm 150 gian hàng ngoài trời trại 5 điểm lớn trên địa bàn Hà Nội, rất thuận lợi cho bà con sắm Tết.

Chương trình Tết ở các huyện ngoại thành thứ 6 tuần này sẽ khai trương.

Chương trình bán hàng nông thôn mới:Tết triển khai 45 chuyến bán hàng phục vụ bà con.

Hàng hóa phong phú, chất lượng, địa điểm phong phú hy vọng sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu của bà con trong dịp Tết này.

Phạm Thu Hà: Thị trường tết nguyên đán đã bắt đầu khởi động, giá cả một số mặt hàng đã bắt đầu tăng, vậy dự kiến từ nay đến 30 Tết những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết sẽ tăng giá bao nhiêu % so với các tháng trong năm?

 

Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Thực tế mua sắm tại các chợ, siêu thị cho thấy với nhóm hàng lương thực do nhu cầu tiêu dùng gạo ngon, gạo nếp của người dân trong tháng Tết tăng đã khiến giá các mặt hàng này tăng khoảng 10% so với đầu tháng 12. Không chỉ các loại các loại gạo ngon tăng giá mà giá cả một số nhóm hàng thực phẩm cũng đã có biến động tăng giá như thịt lợn tăng 5-10%; thịt gà tăng 10-20%. Mặt hàng trứng gia cầm trong thời gian vừa qua tăng mạnh, trung bình khoảng 10-20%. Hiện giá rau xanh, củ, quả tăng trung bình 15-20% do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài và nhu cầu tăng cao trong dịp giáp Tết.

 

Dự báo trong thời gian tới các mặt hàng thực phẩm sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng của nguồn cung và tâm lý găm hàng đến gần Tết mới bán. Riêng với mặt hàng trứng gia cầm trong thời gian qua tăng mạnh nhưng nguồn cung vẫn dồi dào nên trong thời gian tới, giá bán sẽ ổn định.

 

Hà Phương (Đống Đa- Hà Nội): Là một trong những đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá , vậy Hapro để đưa hàng phục vụ Tết, hàng bình ổn giá đến với người tiêu dùng thu nhập thấp và trung bình các huyện ngoại thành, KCN…Hapro sẽ có kế hoạch tổ chức bán hàng như thế nào?

 

Ông Nguyễn Tiến Vượng- Phó Tổng giám đốc Hapro: Tổng công ty Hapro tiếp tục tổ chức 420 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng về các Khu công nghiệp, khu chế xuất, các huyện ngoại thành trên địa bàn TP trong đó:

203 chuyến bán hàng lưu động, 13 chuyến bán hàng nông thôn, 38 Phiên chợ Việt, bán hàng chính sách có trợ cước Phiên chợ Việt tại các huyện, khu công nghiệp; 13 chuyến bán hàng nông thôn; 203 chuyến bán hàng lưu động và 12 chuyến bán hàng chính sách có trợ cước). (Đã triển khai).

Tổng công ty cũng đang tập trung tổ chức các chuyến bán hàng lưu động còn lại vào dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán 2013. Trong dịp Tết, TCT tổ chức 45 chuyến bán hàng lưu động tại một số khu vực tập trung dân cư tại một số Quận, huyện nội ngoại thành Hà Nội, chủ yếu bán  các nhóm hàng thực phẩm tươi, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp Tết nguyên đán 2013.

Tổng công ty tiếp tục thực hiện công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Qúy Tỵ 2013 từ nguồn vốn tạm ứng của Thành phố Hà Nội theo đúng kế hoạch đã xây dựng và cam kết với Liên sở Công thương – Tài chính.

Đảm bảo dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa thiết yếu để cung ứng ra thị trường phục vụ nhân dân, đặc biệt lưu ý đến mặt hàng tươi sống như: Thịt gia súc, gia cầm, rau xanh các loại,…

Tổ chức tốt công tác dự trữ, bảo quản và luân chuyển để hàng hóa dự trữ luôn đảm bảo chât lượng.

Chỉnh trang các băng rôn treo bên ngoài các điểm bán, các biển chỉ dẫn, biển nhận diện nhóm hàng bình ổn và bảng niêm yết giá theo quy định.

Tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình bình ổn giá của Thành phố tới người dân.

Bà Nguyễn Thị Minh Loan (ngõ Hoà Bình 7, phố Minh Khai, Hà Nội): Thường vào dịp cận Tết Nguyên đán, do số lượng sản phẩm bày bán tăng đột biến nên không ít bao bì bị rách, gây ảnh hưởng đến chất lượng bên trong. Vậy năm nay, lãnh đạo BigC… có giải pháp gì mới để kiểm soát tình trạng này?

 
"Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết" - Ảnh 3

  Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long trả lời trực tuyến.

 

Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long: Công tác chuẩn việc hàng hóa đảm bảo chất lượng được luôn được BigC chú trọng. Tuy nhiên, do hàng hóa lưu chuyển trong dịp Tết là khá nhiều nên không tránh khỏi việc bao bì bị rách làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Để giải quyết vấn đề này, BigC đã tăng cường thêm những kho bãi để tập kết hàng hóa tại từng siêu thị. Ngoài ra, BigC tăng cường thêm nhân sự và máy móc để giao nhận hàng kịp thời và giảm thiểu việc móp méo bao bì.

 

Bùi Quý Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội):
Hiện Hà Nội chỉ có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân, vậy để đảm bảo nguồn hàng cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán, ngành công thương đã có những hoạt động liên kết với các tỉnh bạn trong hoạt động liên kết khai thác nguồn hàng như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Để bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường trong dịp Tết, nhất là đối với những nhóm hàng hiện nay nguồn cung đang hạn chế, Sở Công thương đã chỉ đạo các DN chủ động liên kết, khai thác nguồn hàng từ các tỉnh khác để bù đắp lượng hàng thiếu, bảo đảm cung ứng thị trường.

 

Trong đó, mặt hàng trứng gia cầm, ngoài việc khai thác nguồn hàng từ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố, các DN cũng tìm kiếm các nguồn hàng từ các tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Hiện, Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt đã liên kết với Công ty TNHH Ba Huân mặt hàng trứng gà từ miền Nam ra cung ứng cho thị trường Hà Nội với sản lượng khoảng 100.000 quả/chuyến.

 

Mặt hàng thịt lợn được khai thác từ các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Ninh, một số tỉnh ở khu vực phía Nam. Mặt hàng thịt gà được khai thác ở các trang trại thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Các DN đã ký thỏa thuận và hợp đồng thu mua để tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”, trung bình khoảng 7-8 tấn/ngày. Mặt hàng rau, củ, quả được khai thác từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Đà Lạt, Hải Dương…

Trần Quý (Định Công- Hoàng Mai- Hà Nội): Nhằm đảm bảo nguồn cung ứng thịt gia cầm cho người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán, UBNDTP Hà Nội đã ký văn bản hợp tác với tỉnh Bắc Giang trong việc cung ứng mặt hàng này, vậy Hapro đã triển khai hoạt động hợp tác khai thác mặt hàng này ra sao?

 

Ông Nguyễn Tiến Vượng- Phó Tổng giám đốc Hapro: Sản phẩm gà đồi Yên Thế nằm trong chương trình phối hợp giữa Bắc Giang và TP Hà Nội nhằm tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời góp phần ngăn chặn gà thải loại nhập lậu.

 

Hapro đã chủ động ký kết hợp đồng cung ứng hàng hóa với các đối tác để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013. Từ tháng 12/2012, gà đồi Yên Thế bắt đầu phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart. Mặt hàng này được cấp công bố chất lượng bởi Sở Y tế tỉnh Bắc Giang và có dấu kiểm dịch chất lượng hàng ngày do Chi cục Thú y huyện Yên Thế kiểm soát.

 

Theo thống kê của Hapro thì nguồn này cũng tiêu thụ không được nhiều vì chất lượng sản phẩm chưa cao. Bởi vậy, để "được lòng" người tiêu dùng Hà Nội, chất lượng gà đồi Yên Thế cần phải được nâng cao hơn nữa.

 

Thu Thủy - nguyenthuy@yahoo.com: Xin hỏi Sở Công Thương Hà Nội, muốn mua gà đồi Yên Thế thì mua tại những địa chỉ nào tại Hà Nội. Có cách nào để phân biệt riêng không bị nhầm lẫn với loại khác?

 

Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Sở Công thương TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang đã kí bản hợp tác về cung ứng nguồn gà Yên Thế. Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia cùng Sở Công Thương đã làm việc với tỉnh Bắc Giang để thỏa thuận trao đổi và ký kết cung cấp nguồn hàng theo sự thỏa thuận của hai tỉnh, thành phố. Không những ở siêu thị và các Trung tâm thương mại, người tiêu dùng có thể tìm mua nguồn thực phẩm này ở các chợ cung cấp thực phẩm khác.

Ngoài ra người tiêu dùng có thể tìm mua gà Yên Thế tại các điểm bình ổn giá của thành phố Hà Nội.
 
"Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết" - Ảnh 4

Ông Nguyễn Văn Đồng  -  Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội trả lời trực tuyến.

Thu Hà: Xin hỏi đại diện sở Công Thương, tại sao trứng gà ở các tỉnh phía Nam đã ổn định trong khi tại Hà Nội giá không giảm?

 

Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Chương trình bình ổn giá của TP HCM và Hà Nội đều có mặt hàng trứng gia cầm. Tuy nhiên, đối với TP HCM, nguồn cung ứng mặt hàng trứng nói riêng và nhiều mặt hàng khác có nguồn hàng rất dồi dào với một vùng nguyên liệu lớn là ĐB sông Cửu Long và Tây Nam bộ nên thị trường cung ứng lương thực thực phẩm cho TP HCM khá ổn định. Còn đối với Hà Nội, nguồn cung ứng nguyên liệu khó khăn hơn cho dù Sở Công Thương đã rất cố gắng tạo nguồn hàng để cung ứng phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, có những thời điểm do bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết, giao thông… nên việc cung ứng chưa được kịp thời.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đều biết sau khi kiểm tra giá trứng, giá cung ứng đầu vào đã giảm hơn so với trước đây. Tuy nhiên tốc độ giảm giá trên thị trường vẫn chưa xuống nhanh, xuống kịp so với nhu cầu, đặc biệt khi mà nhu cầu tăng cao trong dịp Tết.

Về nguồn cung ứng trứng, trên địa bàn Hà Nội không thiếu và vẫn áp dụng giá bình ổn, không tăng lên theo giá mới. Sở Công Thương đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm soát giá cũng như các cơ quan để đảm bảo giữ sự ổn định giá trên thị trường dịp trước và sau Tết Nguyên đán

Minh Hoàng:
Nhiều doanh nghiệp thương mại phản ánh, hiện việc vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết từ ngoại thành vào nội đô và giữa các điểm bán hàng đang gặp khó khăn do không được phép sử dụng xe ô tô tải trong giờ cao điểm, Sở Công Thương có giải pháp tháo gỡ khó khăn này như thế nào ?

Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Để kịp thời phục vụ thị trường cuối năm và dịp Tết Quý Tỵ 2013, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu với UBND TP Hà Nội cho phép các doanh nghiệp cung ứng hàng Tết được sử dụng một lượng xe ô tô tải nhất định hoạt động trong giờ cao điểm. Vừa qua UBND TP Hà Nội đã có văn bản cho phép 113 ôtô của 18 doanh nghiệp kinh doanh thương mại vận chuyển hàng tiêu dùng thiết yếu được hoạt động trong nội thành 24/24 giờ. Trong 83 xe thuộc 17 doanh nghiệp vận chuyển hàng thiết yếu, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội có 23 xe, Công ty TNHH MTV Lan Chi Business 15 xe, còn lại là xe của các doanh nghiệp khác.

Ngô Văn Hồng: Do tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nguồn cung ứng rau xanh đang khán hiếm, giá đã tăng cao, để đảm bảo nguồn cung ứng rau xanh cho người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đơn vị đã có kế hoạch khai thác, đảm bảo cung cầu mặt hàng này ra sao? Dự báo giá rau xanh trong dịp áp Tết Nguyên đán có tăng hay không và đơn vị có tăng giá bán hay không thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Vượng- Phó Tổng giám đốc Hapro: Thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố về việc lưu chuyển, tiêu thụ rau, củ, quả an toàn vào 4 quận nội thành, Tổng công ty đã tích cực, chủ động chỉ đạo các đơn vị trong TCT triển khai, tổ chức thực hiện treo biển nhận diện, tăng cường quầy kệ, diện tích bán các sản phẩm rau, củ, quả an toàn tại 23 địa điểm tại 4 quận nội thành, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.

Công ty CP Rau, Củ quả an toàn Hapro là 1 đơn vị thành viên của TCT, do đó TCT có nguồn cung ứng hàng hóa chủ động.

Thực tế, thời gian qua do thời tiết khắc nghiệt nên ngoài thị trường giá rau đắt, người dân lại quay về siêu thị. Giá rau phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết.

Dù từ nay đến Tết Nguyên Đán, thị trường rau sẽ có biến động tăng giá nhưng Hapro vẫn cam kết giữ nguyên giá đối với mặt hàng này. Nếu giá đầu vào có tăng 10 – 15%- 30%, thậm chí tăng 50% thì Hapro cũng sẽ giữ nguyên giá, chấp nhận bù lỗ chứ không tăng. Chúng tôi cam kết sẽ không tăng giá rau xanh để ủng hộ nhân dân tiêu dùng trong dịp Tết Quý Tỵ này.
 
"Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết" - Ảnh 5

Toàn cảnh buổi giao lưu.
 

Thúy Nguyễn: Tình trạng quá tải tại các quầy thanh toán vẫn luôn xảy ra tại các siêu thị trong dịp Tết, vậy siêu thị Big C có giải pháp gì?

Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long: Do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao vào những dịp lễ Tết, nên vẫn có tình trạng quá tải với hệ thống thanh toán của BigC. Nhằm giảm tải cho hệ thống thanh toán chúng tôi đã có tổ chức những chương trình mang tính định hướng tiêu dùng cho khách hàng mua sắm dịp Tết để giảm hiện tượng khách hàng tập trung mua sắm vào những ngày cận Tết.

Và để phục vụ tốt hơn người dân mua sắm, BigC thực hiện tăng cường thêm 35% nhân sự để phục vụ tốt hơn  nhu cầu mua sắm của người dân.

Thế Đông (Long Biên- Hà Nội): Tết thường rất đông người mua hàng. Hapro làm sao để đảm bảo an toàn và tránh tình trạng quá tải trong thanh toán cho khách mua hàng?

Ông Nguyễn Tiến Vượng- Phó Tổng giám đốc Hapro: Thông thường, dịp Tết, Tết sức mua sẽ lớn hơn, DN lại mở rộng thêm điểm bán hàng. Đây là một sức ép rất lớn với không chỉ Hapro mà với cả nhiều siêu thị khác. Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ công tác đảm bảo an toàn cũng như tránh tối đa sự quá tải trong thanh toán.

Chúng tôi đã huy động thêm nhân viên tại các điểm bán hàng. Lực lượng bảo vệ được tăng cường, điểm thu ngân cũng được tăng cường tại các đểm đông khách mua hàng. Bởi vậy, chúng tôi cũng hạn chế được tối đa tình trạng qua tải trong thanh toán và đảm bảo an ninh tốt cho người mua hàng.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần