TP Hồ Chí Minh:

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường giúp người dân vui Tết

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịp Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã và sẽ triển khai nhiều hoạt động bình ổn thị trường, giảm áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng.

“Kìm giá” hàng hoá phục vụ người dân

Theo đó, để đảm bảo ổn định nguồn cung hàng hoá và giá cả, giúp người dân vui Tết đầy đủ, mới đây Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Cụ thể, từ ngày 23/12/2022 đến ngày 19/2/2023, TP Hồ Chí Minh sẽ giữ cố định, không tăng giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường để giúp người dân bớt lo lắng về việc tăng giá hàng hóa dịp Tết.

Ngành Công thương TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp để bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Tiểu Thúy
Ngành Công thương TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp để bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Tiểu Thúy

Sở Công thương yêu cầu, các doanh nghiệp tham gia “Chương trình bình ổn thị trường” các mặt hàng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cần chủ động nguồn hàng, cung ứng sản lượng đủ, vượt số lượng đã đăng ký; đảm bảo hàng hóa tham gia chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố. Giữ cố định, không tăng giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường từ ngày 23/12/2022 đến ngày 19/2/2023.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động khuyến mại, giảm giá trước và sau Tết, đặc biệt các ngày cận Tết để người dân có điều kiện vui xuân, mua sắm Tết, ưu tiên tập trung khuyến mại các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch dự trữ, cung ứng nguồn hàng phong phú, dồi dào phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023.

Chia sẻ về việc “kìm giá” hàng hóa dịp Tết, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh thông tin, nhằm tránh nguy cơ khan hiếm và giá cả hàng hóa tăng cao vào thời điểm Tết Nguyên đán, ngay từ giữa năm 2022, Sở Công thương đã làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn TP triển khai công tác bình ổn thị trường.

Đồng thời, Sở Công thương khuyến khích doanh nghiệp mở thêm cửa hàng, các điểm kinh doanh hàng bình ổn, tạo điều kiện cho người dân mua sắm Tết với giá cả tốt nhất. Sở sẽ là đầu mối, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chuẩn bị hàng hóa, mở rộng kinh doanh.

"Chương trình bình ổn lưu động sẽ bổ trợ cho một số khu vực thiếu điểm bán phục vụ cho công nhân. Các đơn vị lớn như Saigon Co.op , CP, Aeon Mall… đã sẵn sàng các điểm bán và chúng tôi sẽ bổ trợ khi cần thiết" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.

Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cam kết, sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, có các phương án, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết.

Tại nhiều siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giá bia và nước giải khát đang khuyến mãi mạnh, để kích cầu người tiêu dùng dịp Tết. Ảnh: Tiểu Thúy
Tại nhiều siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giá bia và nước giải khát đang khuyến mãi mạnh, để kích cầu người tiêu dùng dịp Tết. Ảnh: Tiểu Thúy

Doanh nghiệp tích cực nhập cuộc

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các kênh phân phối, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong tháng Tết. Trong đó tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… TP Hồ Chí Minh hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3.000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường.

Đơn cử, để thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường, phần lớn ngân sách hàng Tết năm nay được Saigon Co.op ưu tiên đầu tư cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản…. Còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.

Còn theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thưc phẩm TP Hồ Chí Minh, bình ổn thị trường vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của doanh nghiệp. Bởi, thực tế từ khi có chương trình bình ổn, thì tình trạng tích trữ hàng trước, chờ đến Tết để nâng giá lên không còn nữa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bình ổn luôn bảo đảm nguồn hàng dồi dào và khi thị trường biến động, doanh nghiệp sẽ có ngay lượng hàng đáp ứng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm.

Tương tự, Công ty Thực phẩm Ánh Nhi cho biết, đã chuẩn bị sản lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng số lượng theo chương trình đề ra, cũng như đảm bảo chất lượng bình ổn, giá bán như đã đăng ký.

Cùng với đó, ông Nguyễn Như Sinh - Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình cũng cho hay, doanh nghiệp cân đối ở mỗi khâu, tiết giảm chi phí làm sao ổn định được giá bán tốt nhất và vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Riêng với mạng lưới phân phối, sẽ kết nối chặt chẽ chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, cung ứng... đến tiêu dùng để đảm bảo giá bán.

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 10.000 điểm bán hàng bình ổn trải rộng khắp các quận, huyện. Lượng hàng bình ổn chiếm 25 - 43% nhu cầu thị trường.

 

Khởi động từ năm 2002, Chương trình bình ổn thị trường đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định nguồn cung. Hàng hóa tham gia chương trình luôn có giá thấp hơn thị trường từ 5 - 10%...

Trong năm 2022, Chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh đã cung ứng lượng hàng trứng gia cầm bình ổn chiếm 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 33,8%, dầu ăn chiếm 28,2%, đường chiếm 21,3%, thịt gia súc chiếm 18,6%... Tổng doanh thu của chương trình năm 2022 ước đạt gần 22.400 tỷ đồng.

Qua 20 năm triển khai, chương trình từ cách tiếp cận ban đầu là “bình ổn giá” đến “bình ổn thị trường” là sự thay đổi trong tư duy tiếp cận đầy sáng tạo, đã góp phần vào chỉ số giá tiêu dùng CPI của TP Hồ Chí Minh được ổn định và luôn thấp hơn CPI cả nước.